Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, Trung Quốc, Pháp và Đức là những nước đóng góp lớn nhất vào mức tăng nợ toàn cầu, trong khi mức nợ giảm ở Canada, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mặc dù đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh so với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn đã góp phần làm tăng giá trị nợ bằng đô la Mỹ, nhưng mức tăng trong quý I cao hơn gấp 4 lần mức tăng trung bình hàng quý là 1.700 tỷ USD được ghi nhận kể từ cuối năm 2022", IIF cho biết trong Báo cáo Giám sát nợ toàn cầu.
Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu tiếp tục giảm với tốc độ chậm, hiện ở mức trên 325%. Tuy nhiên, tại các thị trường mới nổi, tỷ lệ này tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục là 245%.
|
Tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu |
Tổng nợ tại các thị trường mới nổi đã tăng thêm hơn 3.500 tỷ USD trong quý I lên mức cao kỷ lục là hơn 106.000 tỷ USD. Riêng Trung Quốc chiếm hơn 2.000 tỷ USD trong mức tăng thêm. Nợ của chính phủ Trung Quốc so với GDP là 93% và dự kiến sẽ đạt 100% vào cuối năm.
Nợ của các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc cũng đạt kỷ lục, với Brazil, Ấn Độ và Ba Lan chứng kiến mức tăng lớn nhất về giá trị của khoản nợ tính bằng đồng đô la. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP của các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc đã giảm xuống dưới 180%, thấp hơn khoảng 15 điểm phần trăm so với mức cao kỷ lục.
Điều quan trọng là các thị trường mới nổi phải đối mặt với khoản nợ trái phiếu và cho vay kỷ lục 7.000 tỷ USD trong thời gian còn lại của năm 2025, trong khi đối với các nền kinh tế phát triển, con số này là gần 19.000 tỷ USD.
Đồng đô la yếu hơn đã hoạt động như một vùng đệm giữa các nền kinh tế đang phát triển, hạn chế tác động của sự gia tăng biến động do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump gây ra ở các thị trường mới nổi.
"Tuy nhiên, nếu sự bất ổn về chính sách vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, chính sách tài khóa có thể cần phải trở nên ngày càng thích ứng hơn, đặc biệt là ở các quốc gia có mối liên hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ", IIF cho biết.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại về mức nợ của Mỹ và nhu cầu tài chính lớn từ nền kinh tế hàng đầu thế giới, một phần do động thái cắt giảm thuế, có thể ảnh hưởng đến lợi suất của Mỹ.
"Việc nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh sẽ gây áp lực tăng lên lợi suất và làm tăng đáng kể chi phí vay của chính phủ… Trong kịch bản như vậy, rủi ro lạm phát cũng sẽ tăng lên", IIF cho biết.
Chính quyền Tổng thống Trump xem thuế quan là một cách để vá lỗ hổng ngân sách do các đợt cắt giảm thuế dự kiến để lại, nhưng sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại và việc thực hiện không nhất quán đã làm chậm chi tiêu của doanh nghiệp và gây sức ép lên tăng trưởng của Mỹ.
"Cũng có khả năng thuế quan cơ sở 10% cuối cùng sẽ có thể làm giảm doanh thu của chính phủ nếu như nó gây ra sự trả đũa của nước ngoài", báo cáo của IIF cho biết.