Cảnh báo đỏ
Công an TP. Hà Nội vừa triệt phá thành công một ổ nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng qua đầu tư ngoại hối, chứng khoán trái phép, với thủ đoạn tinh vi. Theo đó, Hồ Bích Ngọc lập Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group, rồi dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư ngoại hối, bất động sản, chứng khoán phái sinh… hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn, rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước đó, cơ quan công an cũng triệt phá vụ án dụ dỗ tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến, lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) gây chấn động dư luận. Với gần 2.000 nhân viên, đường dây lừa đảo do Mr Pips điều hành đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập nhiều hội nhóm đầu tư với cái tên mỹ miều như: VIP, Đầu tư thông minh, Chiến lược đầu tư thông minh... và giả làm các chuyên gia tài chính, “thầy đọc lệnh”, phân tích kỹ thuật nhằm dụ dỗ, lôi kéo hàng ngàn nạn nhân “sập bẫy”.
Những vụ việc như trên xuất hiện ngày càng nhiều, với biến hóa khó lường và vô vàn cách thức tiếp cận khác nhau, từ giả mạo các công ty tài chính, lập hội nhóm trên mạng xã hội lôi kéo người dùng, đến việc mạo danh những người nổi tiếng, chuyên gia… để lừa đảo đầu tư tài chính trực tuyến.
Mô tả thủ đoạn lừa đảo này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ rõ, các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín. Tiếp đó, đối tượng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo…) và mời chào nạn nhân tham gia vào sàn mà chúng tạo ra.
Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch tiền đã đầu tư.
Lừa đảo đầu tư tài chính trực tuyến là một trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong năm 2024. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), có 70,72% người dùng Internet từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, cam kết lợi nhuận cao. Thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ NCA cho biết, tại vụ án TikToker Mr Pips, các đối tượng dựng lên những sàn giao dịch tài chính và chứng khoán giả mạo dưới dạng các website hoặc ứng dụng. Các nền tảng này không kết nối với bất kỳ hệ thống tài chính chính thống nào, mà hoạt động độc lập, dựa trên dữ liệu được lập trình sẵn.
Mọi thông tin về lãi hoặc lỗ đều do các đối tượng dàn dựng, tạo cảm giác đầu tư thành công ban đầu để thu hút nạn nhân chuyển thêm tiền. Khi nạn nhân rơi vào “mê cung” của các giao dịch giả, họ sẽ tiếp tục bị dụ dỗ đầu tư thêm với hy vọng gỡ vốn hoặc kiếm lời. Đặc biệt, nhóm này còn xây dựng một mô hình giả lập như một công ty chuyên nghiệp, với nhiều phòng ban như marketing, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật và bộ phận hỗ trợ nạp/rút tiền. Nhân viên được chỉ định liên lạc trực tiếp với nạn nhân để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn đầu tư và xử lý các giao dịch. Điều này tạo cảm giác đây là một tổ chức kinh doanh hợp pháp, nạn nhân khó nhận ra dấu hiệu lừa đảo.
Đừng tham “tiền trên trời rơi xuống”
Báo cáo mới nhất từ hãng phần mềm bảo mật Kaspersky, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với số vụ lừa đảo tài chính là 141.258 vụ, sau Thái Lan và Indonesia.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức không rõ nguồn gốc. Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ.
Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, đánh giá từ người dùng khác và các chứng chỉ hợp pháp.
Ông Trần Quang Hưng, quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin đề xuất 2 giải pháp để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Đầu tiên là sự kết hợp giữa pháp lý, chính sách với biện pháp kỹ thuật và tuyên truyền, đào tạo kỹ năng. Thứ hai là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức doanh nghiệp có hệ thống trực tuyến và kênh báo chí, truyền thông, mạng xã hội.
Để tránh sa bẫy lừa đảo đầu tư tài chính, theo TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, ngoài sự cảnh giác của người dân thì các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: siết chặt hoạt động quảng cáo đầu tư tài chính, đặc biệt trên mạng xã hội; thường xuyên cảnh báo về các phương thức lừa đảo mới, công khai các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo; hoàn thiện khung pháp lý và tăng mức xử phạt; đẩy mạnh truy tố, xét xử các đường dây lừa đảo tài chính trực tuyến.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng, cơ quan quản lý cần phải nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt các sàn giao dịch trực tuyến, đặc biệt là các sàn giao dịch ngoại hối và tiền điện tử. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo trực tuyến, giúp họ tự bảo vệ trước những chiêu trò tinh vi của tội phạm.