Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, hiện tình trạng giả danh lực lượng thực thi pháp luật của tội phạm liên tục tục gia tăng về số vụ việc. Đối tượng mạo danh lực lượng thực thi pháp luật để thao túng tâm lý, đe dọa cưỡng ép chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm hết sức tinh vi khi thường đánh vào tâm lý người dân ở những vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật (rửa tiền, buôn bán ma tuý...), hay các vấn đề về hỗ trợ khai báo miễn trừ thuế, hỗ trợ cài đặt VneID.
Cùng với đó còn xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo đầu tư tài chính. Theo đó, đối tượng mời nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi trên zalo, telegram… từ đó cùng những thành viên khác nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư tham gia đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn tội phạm thường dùng là các “mồi nhử” như lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần bỏ ra nhiều thời gian, trí tuệ; hỗ trợ khai báo miễn trừ thuế…
Thời gian gần đây, khi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức phát hành thẻ siết chặt quản lý tài khoản cá nhân, các đối tượng đã có những động thái chuyển sang mua bán tài khoản doanh nghiệp (đặc biệt là tài khoản của doanh nghiệp siêu nhỏ) để phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo không ngừng thay đổi, bởi vậy Đại tá Ngọc đề nghị các ngân hàng tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống, đặc biệt là hệ thống xác thực sinh trắc học, xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử (eKYC) để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động gian lận, giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.
Tăng cường công tác hậu kiểm việc mở tài khoản, thẻ ngân hàng qua eKYC; kết nối nền tảng trực tuyến hệ thống cơ sở dữ liệu cảnh báo danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật của Bộ Công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thu hồi tài sản cho khách hàng.
Đồng thời, ban hành quy trình phối hợp chung, thống nhất toàn ngành Ngân hàng để cùng ứng xử đối với các tài khoản trong danh sách cảnh báo; đầu tư về con người, công nghệ, hậu kiểm tài khoản, phát triển hệ thống sàng lọc, phân tích, cảnh báo tài khoản phát sinh đáng ngờ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền hay các quy định tại Công văn số 4884/NHNN-TT ngày 22/6/2023 về việc áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; Tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn để không ngừng nâng cao nhận thức và kiến thức bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên, khách hàng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi Hội thẻ, hiện có 24 hình thức lừa đảo như: Cuộc gọi video deepface, deepvoice; combo du lịch giá rẻ; giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; thông báo khoá sim vì chưa chuẩn hoá thuê bao; giả danh công ty tài chính; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ; giả mạo website; giả mạo SMS; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo; lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên; đánh cắp tài khoản mạng xã hội nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ; dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền FlashAI; dịch vụ lấy lại tài khoản facebook; Seeding quảng cáo bẩn trên mạng xã hội; cho số đánh đề; bẫy tình cảm; gửi bưu kiện, trúng thưởng.
Đối với thẻ quốc tế, tội phạm thường khai thác lỗ hổng bảo mật, lấy thông tin khách hàng trên phạm vi lớn hoặc chủ đích đoán định thông tin khách hàng để tích luỹ lượng lớn thông tin khách hàng/thẻ. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận những trường hợp khách hàng cố tình trục lợi/gian lận thông qua đặc điểm chính sách bán hàng/hoàn tiền khi phát sinh khiếu nại của Facebook, Google, Apple…