Nợ “ngập đầu”, CTCP Cửu Long bị phát mại nhà máy chế biến gỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bảo lãnh và nhận nợ giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB và CTCP Cửu Long. Trường hợp không trả được nợ, công ty bị phát mại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2009, VDB và Cửu Long ký hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng nhận nợ. Mục đích để bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng giữa Cửu Long và Vietinbank. Số tiền bảo lãnh trong hợp đồng tín dụng là 93,8 tỷ đồng. Thực hiện bảo lãnh, năm 2010, VDB đã phát hành chứng thư bảo lãnh cho Cửu Long vay vốn Vietinbank để thực hiện dự án Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.

Do Cửu Long vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Vietinbank đã khởi kiện ra tòa án. Năm 2018, bản án của TAND TP Hà Nội đã buộc Cửu Long trả nợ cho Vietinbank số tiền 144,3 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi. Năm 2019, cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định thi hành án, thu hồi số tiền 156 tỷ đồng của VDB để trả cho Vietinbank.

Ngày 30/10/2019, Cửu Long và VDB đã ký hợp đồng nhận nợ chi tiết số tiền 156 tỷ đồng. Ngoài ra, Cửu Long phải chịu phí bảo lãnh là 5,8 tỷ đồng. Trong đó công ty mới thanh toán 2,7 tỷ đồng.

Để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh, Cửu Long đã thế chấp toàn bộ tài sản được hình thành từ vốn vay dự án nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, gồm tài sản đã hình thành gắn liền với thửa đất tại xã Tân Hưng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, diện tích 40.000 m2 (hệ thống nhà xưởng sản xuất, trạm biến áp…) và dây chuyền thiết bị sản xuất.

VDB nhiều lần đôn đốc, yêu cầu Cửu Long trả nợ nhưng doanh nghiệp không có phương án trả nợ. Ngày 26/11/2019, VDB làm việc và đề nghị Cửu Long phối hợp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay nhưng công ty không hợp tác. Do đó, VDB khởi kiện ra tòa án, đề nghị buộc Cửu Long phải trả nợ số tiền 171 tỷ đồng (gồm gốc và lãi đến thời điểm này) và phí bảo lãnh 3 tỷ đồng.

Đại diện Cửu Long không đồng ý số tiền nhận nợ trên vì cho rằng, khi Vietinbank thông báo cho VDB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng VDB không thực hiện dẫn đến lãi quá hạn phát sinh. VDB không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Chi cục thi hành án có quyết định cưỡng chế dẫn đến việc Cửu Long không tiếp cận được các nguồn vốn vay lưu động khác để thực hiện sản xuất, kinh doanh. Cửu Long không được thông báo về việc cưỡng chế dẫn đến số liệu ký nhận nợ bắt buộc không chính xác.

Đầu năm 2021, tòa sơ thẩm xử buộc Cửu Long phải trả số tiền nợ tính đến ngày 19/1/2021 là hơn 191 tỷ đồng (gồm nợ gốc, lãi và phí bảo lãnh). Trường hợp công ty không trả được nợ, ngân hàng có quyền phát mại các tài sản bảo đảm trên.

Tranh cãi “lãi chồng lãi”

Công ty Cửu Long kháng cáo quyết định trên. Công ty cho rằng việc VDB chuyển toàn bộ số tiền 156 tỷ đồng thành nợ gốc và yêu cầu công ty trả cả gốc và lãi là không phù hợp (tức là lãi chồng lãi).

Tòa phúc thẩm cho rằng, các bên thỏa thuận số tiền nhận nợ và phải trả là “Nợ gốc: Toàn bộ số tiền bên A đã trả nợ thay cho Bên B (bao gồm cả gốc, lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng)”. Vì vậy, số tiền nợ gốc mà VDB khởi kiện là 156 tỷ đồng (gồm nợ gốc và lãi của Công ty Cửu Long đối với Vietinbank mà VDB đã trả nợ thay). Do đó, tòa phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của Cửu Long.

Theo đó, công ty phải có nghĩa vụ trả cho VDB số tiền 191 tỷ đồng. Ngân hàng có quyền phát mại các tài sản trên. Nếu sau khi phát mại không đủ để thanh toán hết khoản nợ thì Cửu Long vẫn tiếp tục phải có nghĩa vụ thanh toán hết số nợ trên cho VDB.

Được biết, CTCP Cửu Long được thành lập năm 1999, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp công trình. Năm 2007, công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Hải Dương. Dự án có vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục