Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2014: Hiểu rõ các quy định đối với DN vừa và nhỏ” của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, dù Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh vẫn chưa có nhiều cải thiện, khi đứng thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng.
Theo Báo cáo của WB, kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam là quốc gia có nhiều cải cách nhất về môi trường kinh doanh trong khu vực Đông Á -Thái Bình Dương, với 21 cải cách, đứng trên cả Trung Quốc (với 18 cải cách).
Bà Mikako Ollison, tác giả Báo cáo phân tích cho biết, trong 11 lĩnh vực đưa ra xem xét để xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, một số lĩnh vực đã được cải thiện nhiều.
Chẳng hạn, lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng xếp hạng 29; vay vốn tín dụng xếp hạng 42; thực thi hợp đồng xếp hạng 46... Đặc biệt, Việt Nam đã có cải cách mạnh mẽ trên các lĩnh vực vay vốn và bảo vệ các nhà đầu tư.
Cụ thể, Chính phủ đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân và trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên đã ra đời.
Ngoài ra, Việt Nam tăng cường việc bảo hộ các nhà đầu tư bằng việc yêu cầu công khai thông tin nhiều hơn đối với các công ty đại chúng trong các trường hợp giao dịch có liên quan đến các bên.
Tuy nhiên, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện.
Năm nay, Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế. Theo ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của WB, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn ở thứ hạng trung bình, thậm chí tụt hạng so với các năm trước vì nhiều quốc gia khác đã cải thiện nhanh hơn.
So với các quốc gia láng giềng, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Bà Mikako Ollison cho rằng, DN Việt Nam còn đứng trước một số thách thức lớn. Khảo sát của WB cho thấy, DN Việt Nam xếp thứ 156 trên thế giới trong việc tiếp cận mạng lưới điện.
Trung bình, DN mất 115 ngày để được kết nối điện và chi phí kết nối cũng rất tốn kém. Hoặc để xử lý DN mất khả năng hoạt động thì quy trình từ lúc công ty bắt đầu nộp đơn xin phá sản cho đến lúc giải quyết thủ tục phá sản và có kết quả từ tòa án phải mất 5 năm và chi phí chiếm tới 15% giá trị tài sản của DN.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý về chỉ số đóng thuế của DN vừa và nhỏ.
Theo bà Hằng, các DN này phải dành 1/3 thời gian trong năm để kê khai thuế cũng như tuân thủ chính sách thuế.
Còn theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc tiếp cận thông tin tín dụng của các DN nhỏ và vừa đã có những cải thiện nhất định và chỉ số này của Việt Nam được xếp hạng khá cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của các DN nhỏ và vừa vẫn khó, khi các đơn vị này thường không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
TS. Trần Đình Thiên cũng lưu ý về việc khoảng cách xếp hạng tín nhiệm giữa các lĩnh vực còn rộng, chênh lệch lớn, chẳng hạn chỉ số tín nhiệm trong lĩnh vực cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 29 thì chỉ số lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư lại xếp thứ 157 trong bảng xếp hạng.
Đáng chú ý, lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư được đánh giá là 1 trong 4 lĩnh vực có nhiều cải cách nhất của Việt Nam trong năm qua.
“Sự chênh lệch quá lớn giữa các yếu tố cấu thành môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tạo ra những ‘cái bẫy’ cho hoạt động kinh doanh của DN.
Trong cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh với các quốc gia láng giềng, Việt Nam cần phải vượt lên trong tương quan với các nền kinh tế khác, chứ không phải là vượt lên chính mình”, TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Và để làm được việc đó, “Việt Nam cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của DN”, bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn môi trường đầu tư khu vực Đông Á -Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên nhóm WB nhận định.