Nỗ lực cải cách, sẵn sàng đón dòng vốn lớn

0:00 / 0:00
0:00

Lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng, song các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp Nhật luôn chọn Việt Nam là điểm đến. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty UMC Việt Nam (Nhật Bản). Ảnh: Đ.T Các doanh nghiệp Nhật luôn chọn Việt Nam là điểm đến. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty UMC Việt Nam (Nhật Bản). Ảnh: Đ.T

Điểm đến của doanh nghiệp Nhật Bản

“Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đứng đầu khi có 37 doanh nghiệp Nhật quyết định chọn làm điểm đến, thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Takio Yamada nhấn mạnh tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, diễn ra chiều ngày 21/12.

Có thể khẳng định, các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19. Mới đây, ông Takio Yamada cũng đồng chủ trì cuộc họp tiền khởi động giai đoạn 8, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại sứ Takio Yamada cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản - Việt Nam ngày càng sâu sắc, mối quan hệ này có tiềm năng vô tận. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Chia sẻ góc nhìn từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, Đại sứ Takio Yamada cho biết, mặc dù trên thế giới, Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng Việt Nam đã đạt được thành công trong công tác chống dịch. “Trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam đã tăng trưởng dương, trong 11 tháng của năm 2020, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mới có thành công lớn như vậy”, Đại sứ Takio Yamada nói.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Việt Nam đã và đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng vừa qua.

Mặc dù chưa có con số chính thức, song Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6 - 3%, là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh và được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới.

Xây dựng Chính phủ “phi giấy tờ”

Mặc dù doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tình hình mới như chia sẻ của Đại sứ Takio Yamada, song không phải vì thế mà có thể khẳng định môi trường đầu tư tại Việt Nam không còn những khó khăn, vướng mắc.

Theo đại diện Công ty HOYA Việt Nam, hiện còn nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi thuế, khi không chấp thuận cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi. Ví dụ, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp chính thức được hưởng theo giấy phép đầu tư, có ý định tăng thuế suất nhằm đánh thuế bổ sung.

“Số tiền thuế đó ước tính lên đến 50 triệu USD trong vòng 10 năm tới đối với một doanh nghiệp. Dù đầu tư nước ngoài được pháp luật bảo vệ, nhưng vấn đề nằm ở việc thực thi pháp luật ở cấp cơ sở”, đại diện này nêu vấn đề.

Ghi nhận việc tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp là một minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, song Đại sứ Takio Yamada cũng kê “đơn thuốc” để Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng, đó là mở lại các chuyến bay thương mại, cải thiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài và cải cách thủ tục hành chính.

Ghi nhận và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

Giai đoạn 2020 - 2025, Chính phủ sẽ tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn kiên định với quan điểm xây dựng Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm kể từ ngày chính thức khai trương, đã tích hợp, cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); có hơn 97 triệu lượt truy cập... Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là khoảng 6.700 tỷ đồng/năm.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục