Ngay sau khi biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) được ký kết, đã có những dự báo khá tích cực về sự dịch chuyển dòng vốn từ Anh vào Việt Nam khi Hiệp định đi vào thực thi.
Cú hích UKVFTA
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, với lịch sử quan hệ giữa 2 nước và đặt trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư đến từ Anh quốc. Tính đến hết tháng 9/2020, Anh có hơn 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Theo đại diện HSBC, quy mô đầu tư của Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD). UKVFTA sẽ là một động lực lớn cho các hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI và kêu gọi các doanh nghiệp Anh tham gia vào nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị của Việt Nam.
“Chắc chắn, UKVFTA khi được ký kết, đi vào thực thi sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn FDI đến từ Anh”, lãnh đạo ngân hàng đến từ Anh này nói.
Có mặt tại lễ ký kết kết thúc đàm phán UKVFTA, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss cho rằng, các nhà đầu tư Anh rất coi trọng thị trường Việt Nam. Thương mại, mở cửa hội nhập, thu hút FDI đã làm thay đổi Việt Nam theo chiều hướng tốt hơn, tạo thêm nhiều việc làm hơn, trở thành nền kinh tế phát triển năng động. Các nhà đầu tư Anh muốn hoàn thiện chuỗi cung ứng nhờ việc tăng các thương vụ đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đến Việt Nam, qua đó tiếp cận được các thị trường trong ASEAN.
Vốn đổ vào ngành nào?
Một báo cáo của Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam cho biết, thị trường tài chính Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Anh. Việt Nam đang làm rất tốt việc phát triển thị trường vốn, bởi giao dịch cổ phần, chứng khoán tại thị trường này có giá trị hợp lý so với các nước khác trong khu vực và các thị trường mới nổi khác.
Về tổng thể, UKVFTA sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, theo ông Tim Evans, hoàn toàn có thể mong đợi ngành dịch vụ tài chính Việt Nam sẽ bắt tay thực hiện cải cách nhiều hơn nữa để tận dụng cơ hội này.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Giám đốc Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam nhận định, thương mại của Việt Nam gần như tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua và hiện có quy mô gấp đôi nền kinh tế. Việc Việt Nam có mạng lưới hiệp định thương mại tự do rộng khắp tạo nên sức hút lớn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Anh.
Tính riêng tại TP.HCM, Anh là nhà đầu tư xếp thứ 11/110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại đây, với 161 dự án, tổng vốn đăng ký gần 614 triệu USD. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Anh tập trung nhiều ở các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, tài chính, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục...
Việt Nam đặt mục tiêu nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 và đây là lĩnh vực lọt vào “tầm ngắm” của các nhà đầu tư đến từ Anh. Ngoài ra, quy mô đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn của thị trường Việt Nam (đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD), do đó, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa cho hợp tác giữa hai nước.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức), với tổng giá trị cổ phiếu sở hữu gần 21.600 tỷ đồng.
Được biết, Anh là quốc gia đầu tư lớn thứ 15 tại Việt Nam tính về lũy kế đầu tư và là quốc gia đầu tư lớn thứ 13 năm 2019. Những nhà đầu tư Anh đã hiện diện tại Việt Nam gồm các công ty dịch vụ tài chính HSBC, Standard Chartered Bank, Prudential; Jardines trong lĩnh vực bất động sản; AstraZeneca và GSK trong lĩnh vực dược phẩm...