Nợ công toàn cầu tăng nhanh hơn so với dự báo của IMF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ công toàn cầu đang cao hơn và tăng nhanh hơn dự báo trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chủ yếu do tăng nợ công ở Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đây là đánh giá mới nhất được ông Vitor Gaspar, Trưởng bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra ngày hôm qua (12/4).

Ông Vitor Gaspar cho biết, nợ công toàn cầu đã tăng gần 100% GDP trong năm 2020 trước khi giảm mạnh nhất trong 70 năm vào năm 2022. Dù vậy, tỷ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch khoảng 8%. Thay vì về mức bình thường, tỷ lệ này sẽ bắt đầu tăng trở lại vào năm nay và lên mức 99,6% vào năm 2028, năm cuối cùng trong khung dự báo hiện nay của IMF.

IMF dự báo, khoảng 60% các nước có tỷ lệ nợ công/GDP giảm, tính đến cuối năm 2028 sau các đợt tăng vì các yếu tố liên quan COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn trong nhóm phát triển và mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh có tỷ lệ nợ công/GDP tăng nhanh. Trong đó, sự gia tăng tỷ lệ tại hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc có tác động rõ rệt vào nền kinh tế toàn cầu. Ngược lại, ở các nền kinh tế đang phát triển thu nhập thấp, tỷ lệ trên tăng trong đại dịch nhưng ở tốc độ vừa phải và trong những năm tới sẽ giảm xuống các mức từng được dự báo trước đại dịch.

Với mức nợ này, việc lãi suất tăng nhanh có thể gây áp lực lên các nước, buộc chính phủ và các công ty phải cắt giảm nợ và chi tiêu. IMF cho biết, áp lực ngân sách và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng đã cản trở công tác giảm nghèo cũng như những tiến bộ cần có trong các nỗ lực đạt những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Chuyên gia Gaspar nhận định rằng, những nước có ít công cụ dự phòng hơn có nguy cơ suy thoái lâu và sâu hơn nếu khủng hoảng xảy ra. Do đó, tất cả các nước cần liên kết chặt chẽ các chính sách tài khóa và tiền tệ để giảm lạm phát và xây dựng các công cụ dự phòng trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Báo cáo của IMF cũng cảnh báo các nguy cơ ở mức cao, đồng thời nêu rõ việc giảm những điểm yếu về nợ công nên là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt ở nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp vốn đã có 39 nước đang ở hoặc sắp rơi vào tình trạng căng thẳng nợ công.

Bên cạnh đó, IMF cho rằng những vấn đề trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ càng làm gia tăng các nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng, có thể gây thêm áp lực nợ công nếu các chính phủ phải can thiệp.

Để ngăn chặn tình hình xấu thêm, các nhà quản lý nên cân nhắc củng cố các khuôn khổ ứng phó khủng hoảng và các cơ chế làm việc với những thể chế tài chính có vấn đề.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục