Ninh Thuận nêu lý do dự án năng lượng chậm triển khai, không được hưởng giá FIT

Dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1 chậm triển khai; Dự án Nhà máy mặt trời Thiên Tân 1.4, Dự án Nhà máy điện gió Hanbaram… không được hưởng giá FIT có nguyên nhân từ cơ chế chính sách giá điện.
Dự án Nhà máy Điện gió Habaram tại tỉnh Ninh Thuận.

Vì sao chậm triển khai

Cử tri thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc phản ánh, Dự án điện gió Công Hải đã được chủ trương đầu tư năm 2015, nhưng đến nay, Dự án chỉ hoàn thành được nhà điều hành, chưa thi công các trụ tuabin, trong quá trình triển khai quá chậm so với các dự án khác.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, Dự án Nhà máy Điện gió Công Hải 1 của Tổng công ty Phát điện 2, bao gồm 2 dự án thành phần.

Trong đó, Nhà máy Điện gió Công Hải 1, giai đoạn 1 được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 18/4/2013, thay đổi lần 1 ngày 17/1/2014, thay đổi lần 2 ngày 17/4/2023. Dự án có quy mô công suất 3 MW, tổng vốn đầu tư 191 tỷ đồng.

Nhà máy Điện gió Công Hải 1, giai đoạn 2 được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 30/5/2013, thay đổi lần 1 ngày 17/1/2014, lần 2 ngày 17/5/2021. Dự án có quy mô công suất 37,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.061 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1, giai đoạn 1 đã được khởi công vào ngày 19/5/2014, do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2) và Công ty cổ phần Kinh doanh điện lực TP.HCM làm chủ đầu tư. Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận lý giải, quá trình triển khai thực hiện dự án chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraine; dịch bệnh Covid-19; quá trình phê duyệt phương án đấu nối kéo dài; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do có nhiều hộ dân chưa đồng thuận; chưa có cơ chế giá điện để xác định hiệu quả dự án...

“Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, cũng có một số nguyên nhân chủ quan về phía chủ đầu tư như chưa tính toán hết được lộ trình ban hành giá điện nên chậm trong công tác phê duyệt hồ sơ mời thầu”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thuận đề cập.

Ngoài ra, Tổng công ty Phát điện 2 là đơn vị nhà nước nên phải chịu ràng buộc về nguồn vốn nhà nước theo quy định pháp luật.

Liên quan đến dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành thanh tra tình hình sử dụng đất củ dự án để tham mưu xử lý dự án theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý dự án khi đủ điều kiện theo quy định.

3 dự án không được hưởng giá FIT

Liên quan đến các dự án hòa mạng lưới chậm, Sở Công thương Ninh Thuận thông tin, có 3 dự án điện mặt trời vận hành sau ngày 31/12/2020 và 1 dự án điện gió vận hành sau ngày 1/11/2021 hoà mạng lưới điện chậm, không được hưởng cơ chế giá FIT mà chỉ được hưởng cơ chế giá bán điện theo Khung giá phát điện chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 7/1/2023 củ Bộ Công thương.

Cụ thể, Dự án Nhà máy Mặt trời Thiên Tân 1.4 trên hồ Sông Trâu, huyện Thuận Bắc được công nhận vận hành thương mại sau ngày 31/12/2020.

Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram được công nhận vận hành thương mại năm 2023 với phần công suất 93 MW sau ngày 1/11/2021.

Riêng Dự án Mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3, dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024.

Sở Công thương đề cập, việc triển khai các dự án vào vận hành không kịp hưởng giá FIT là do thời điểm triển khai dự án là thời điểm bùng phát dịch Covid-19 nên gặp khó khăn trong việc nhập thiết bị, thuê nhân công, chuyên gia nhập cảnh và các vấn đề lưu thông giữa các huyện, tỉnh; cơ chế chính sách về giá điện Chính phủ chưa ban hành kịp thời với các dự án vận hành sau mốc thời gian giá FIT.

Ngoài ra, Quy hoạch Điện VIII chậm phê duyệt (được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023).

Mặc dù vậy, Sở Công thương Ninh Thuận khẳng định, sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các dự án triển khai đầu tư xây dựng kịp thời và đưa vào vận hành, được hưởng cơ chế gia bán theo quy định của Thủ tướng trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Minh chứng là đến ngày 31/12/2020 có 32 dự án điện mặt trời và có 11 dự án điện gió (tính đến ngày 30/10/2021) đưa vào vận hành thương mại.

Con số này theo UBND tỉnh Ninh Thuận cập nhật đến quý I/2024 là 11 dự án đối với điện gió trên bờ với công suất 667,25 MW; điện mặt trời tập trung với 35 dự án, công suất 2.466,8 MW đã đã đầu tư và đưa vào vận hành thương mại.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục