Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đã giảm 14,3% so với tháng trước, làm dấy lên lo ngại về việc giảm tiêu thụ ở các thị trường nước ngoài đối mặt với lạm phát, thiếu hụt nhiên liệu và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế trong quý cuối năm. Sản xuất giày dép, điện thoại và đồ nội thất đang chậm lại.
Phan Ngọc Anh, Giám đốc bán hàng tại Công ty TNHH Po Lai Kam Việt Nam cho biết: "Nếu Mỹ và châu Âu không thể khắc phục được tình hình, chúng tôi có thể đối mặt với muôn vàn khó khăn".
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 13,67% trong quý III, nhưng hầu hết các nhà kinh tế dự đoán quý IV sẽ chậm hơn.
Goldman Sachs cho biết, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh hơn dự kiến và đạt 29,9 tỷ USD vào tháng 9, là mức thấp thứ hai trong năm nay. Maybank cũng cho biết, máy tính, thiết bị di động và các bộ phận liên quan "là những yếu tố chính gây ra sự suy giảm này trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm".
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua các tháng |
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hàng tồn kho cao và tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á. WB dự báo, các nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay thay vì 5% được dự báo vào tháng 4.
Trong một báo cáo nghiên cứu, Maybank dự đoán tăng trưởng quý IV của Việt Nam sẽ giảm tốc xuống còn 5,7%.
"Những cơn gió ngược bên ngoài sẽ gia tăng trong năm tới và làm giảm tốc độ tăng trưởng trong nước, do rủi ro suy thoái gia tăng ở Mỹ và EU và Fed mạnh tay thắt chặt và gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine", theo báo cáo của Maybank. Trong đó, châu Âu và Mỹ là những khách hàng lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù sóng gió đang thổi qua phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng mạnh hơn. Theo Our World in Data, yếu tố thương mại nước ngoài của Việt Nam tương đương với 208% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020, đây là mức cao nhất của khu vực khi không tính đến các trung tâm vận chuyển Singapore và Hồng Kông.
Biến động ở nước ngoài đang "gây áp lực lớn lên nền kinh tế Việt Nam", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết tại cuộc họp báo khi số liệu GDP được công bố. Bà Hương cho biết, các công ty vẫn cần được giúp đỡ để phục hồi sau đại dịch, chẳng hạn như thông qua một chương trình cho vay lãi suất thấp đã giải ngân dưới 1% mục tiêu năm 2022.
Vào mùa Thu năm 2021, các nhân viên nhà máy phải sống tại nơi làm việc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhưng ít nhất họ cũng có rất nhiều công việc sản xuất.
"Năm ngoái vào thời điểm này, ngay cả khi chúng tôi rơi vào tình trạng đóng cửa, chúng tôi vẫn có đơn đặt hàng", bà Anh cho biết. Tuy nhiên, bà lạc quan rằng, nhu cầu cuối cùng sẽ phục hồi trở lại bình thường, nhưng phải cho tới ít nhất hai mùa mua sắm nghỉ lễ nữa trôi qua.