Niêm yết cổ phiếu: Bài toán chiến lược của các “đại gia”

(ĐTCK) Hội nhập, thương hiệu, bài học gọi vốn thành công của nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đang là lý do thôi thúc nhiều đại gia, vốn có tư duy khá thủ cựu với việc niêm yết cổ phiếu, thay đổi.
Niêm yết cổ phiếu: Bài toán chiến lược của các “đại gia”

Câu chuyện SHN

Đầu tháng 10/2016, CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 423 tỷ đồng lên 1.175 tỷ đồng, bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG), doanh nghiệp gắn với tên tuổi Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền. Sau khi tăng vốn điều lệ, SHN có 3 cổ đông lớn nắm 23,54% vốn, trong đó ông Vũ Văn Tiền nắm 9,47%.

Động thái ông Tiền và Geleximco rót vốn vào SHN, đưa một doanh nghiệp vốn sống lay lắt bên bờ vực phá sản hồi sinh trở lại, đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu SHN. Đầu năm 2016, giá cổ phiếu SHN tăng từ 3.000 đồng/CP lên trên 20.000 đồng/CP. Trong khoảng thời gian này, có nhiều cổ đông của Công ty thực hiện “lướt sóng” và thu được không ít lợi nhuận. Tuy nhiên, “lướt lát” không phải là khẩu vị và mục tiêu của những nhà đầu tư thuộc nhóm Geleximco.

Số lượng cổ phiếu hoán đổi trên tương đương với hơn 700 tỷ đồng, chiếm gần 75% vốn của ABG, đồng nghĩa với việc SHN đưa ABG lên niêm yết. Rút ngắn được thời gian, bỏ qua nhiều công đoạn phức tạp như đại chúng hóa công ty, thực hiện báo cáo kiểm toán…, một công ty thành viên của Geleximco đã có thể lên sàn. Tại sao lâu nay vốn thờ ơ với thị trường chứng khoán, ông Tiền và Geleximco lại bỏ nhiều tâm sức để vực SHN có lãi “thần tốc” để đủ điều kiện phát hành cổ phiếu hoán đổi?

Thông tin trong bản cáo bạch của SHN cho biết, việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi tuy không làm phát sinh dòng tiền và nguồn tiền mặt cho SHN nhưng làm tăng quy mô vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tăng khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ giúp Công ty có thể vay vốn ngân hàng với hạn mức lớn hơn, đảm bảo nguồn lực tài chính cho các dự án mới.

Ông Vũ Văn Tiền, trong một số sự kiện của SHN chia sẻ rằng, công ty niêm yết có những lợi thế đáng phải xem xét. Đó có thể là điểm cộng cho doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các đối tác nước ngoài (do doanh nghiệp niêm yết được đánh giá minh bạch và quản trị tốt hơn - PV), đó cũng có thể là lợi thế khi doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa các kênh huy động vốn.

Cho đến thời điểm này, SHN đã thực sự “lột xác” hay chưa, nhân sự và năng lực cạnh tranh có gì mới? Câu trả lời của những người trong cuộc là chưa có nhiều và cần thêm thời gian để doanh nghiệp tái cấu trúc. Cũng bởi lẽ đó nên mặc dù không ít cổ đông của Công ty muốn thông tin về SHN được công bố ra thị trường đều đặn hơn, để giới đầu tư có cảm giác về một doanh nghiệp đang có sức sống mạnh mẽ trở lại, nhưng những người có tiếng nói trọng lượng nhất tại doanh nghiệp này lại chưa muốn. Và bản thân họ cũng không mấy quan tâm đến biến động giá cổ phiếu, một yếu tố mà lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết thường ít khi thờ ơ.

Việc lên niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn cho các kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh 

Nét mới của doanh nghiệp “họ” Hoàng Huy

4 năm sau khi doanh nghiệp đầu tiên trong hệ thống, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) với mã HHS, đầu tháng 10 vừa qua, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy đã niêm yết cổ phiếu trên HOSE với mã TCH. Hai doanh nghiệp này dễ gây nhầm lẫn với công chúng đầu tư bởi ngoài cái tên, ngành nghề kinh doanh và đặc biệt ban lãnh đạo, cổ đông lớn có nhiều điểm dễ khiến bên ngoài ngỡ là một.

Đáng chú ý nhất trong số đó là hình ảnh ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch 2 công ty. Vốn là những công ty gia đình, trong đó gia đình doanh nhân Đỗ Hữu Hạ, sở hữu cổ phần ở mức chi phối, những doanh nghiệp như HHS và TCH từng rất thủ cựu.

Ông Hạ là doanh nhân cùng thế hệ và được xem có cùng xuất phát điểm (kinh doanh xe máy - PV) với những tên tuổi lớn của Việt Nam như Vũ Văn Tiền, Nguyễn Thị Nga, Đỗ Quang Hiển…, song vì thủ cựu nên dường như ông đã chậm một nhịp so với những đại gia này. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây có sự thay đổi rất lớn ở ông và các doanh nghiệp do ông sáng lập, mặc dù ông Hạ là doanh nhân rất kín tiếng và hầu như không xuất hiện trên thị trường.

Từ quy mô vốn điều lệ 90 tỷ đồng, HHS đã tăng vốn lên hơn 300 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Việc đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung với một loạt quy định được coi là chặt chẽ về công bố thông tin được coi như cuộc cách mạng về tư duy ở nhiều doanh nghiệp vốn đi theo mô hình quản trị công ty gia đình. Chưa dừng lại ở đó, HHS sau đó liên tục tăng vốn và hiện đạt quy mô vốn điều lệ 2.330 tỷ đồng.

Rất nhiều chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán đặt câu hỏi, tại sao HHS vốn hoạt động thương mại thuần túy lại không sử dụng vốn vay ngân hàng? Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với doanh nghiệp cho biết, nhờ không dùng vốn vay ngân hàng, HHS đã vững vàng vượt qua giai đoạn sóng gió của nền kinh tế những năm 2011 - 2012, nên nguyên tắc này vẫn được Công ty bảo lưu trong quá trình hoạt động. Không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng sẽ giúp ban điều hành giảm bớt áp lực để cân đo và chọn được những phương án có lợi nhất với doanh nghiệp.

Với TCH, lãnh đạo Công ty cho biết, niêm yết cổ phiếu trở thành công việc được ưu tiên khi TCH chính thức hợp tác với Tập đoàn Navistar (Hoa Kỳ). Để trở thành nhà phân phối của Navistar tại thị trường Việt Nam, Công ty đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và hội tụ nhiều yếu tố về năng lực tài chính, hệ thống phân phối, đáp ứng doanh số bán hàng và dung lượng thị trường, minh bạch trong tài chính và quản trị doanh nghiệp...

Đơn cử, Navistar đã chỉ định đơn vị thẩm định quốc tế Trace International (Hoa Kỳ) tìm hiểu về từng thành viên lãnh đạo Công ty như HĐQT, Ban tổng giám đốc, trưởng các bộ phận, các đối tác kinh doanh, các ngân hàng để đi đến quyết định chọn đơn vị hợp tác. Phía đối tác cũng yêu cầu Công ty duy trì mức độ minh bạch và quản trị cao như một điều kiện trong quá trình hợp tác, đó cũng chính là những tiêu chí đang áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sẽ có thêm những doanh nghiệp tư nhân lớn

Bên cạnh các doanh nghiệp có vốn nhà nước bắt buộc phải niêm yết hoặc giao dịch cổ phiếu tập trung sau cổ phần hóa, tư duy mở như trên được dự báo sẽ lan tỏa đến nhiều ông chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Một số tên tuổi như Trường Hải, Novaland tới đây cũng sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Về phía các nhà đầu tư, họ kỳ vọng trong tương lai gần, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững để gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường.

Về mặt vĩ mô, Chính phủ và Quốc hội cũng đã khẳng định sẽ không nới trần nợ công, nợ chính phủ, bởi vậy áp lực tổ chức tốt hơn kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán bên cạnh kênh tín dụng như lâu nay đang ngày một cấp thiết.

Để làm được điều đó, một trong những giải pháp là gia tăng lượng hàng hóa chất lượng trên thị trường, tạo nền cho những thay đổi về cách thức đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh “lướt sóng”, đầu cơ ngắn hạn, cần có những địa chỉ để người dân tin tưởng bỏ vốn dài hạn.          

Thủy Nguyễn
Theo Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục