Sau 2 phiên bán tháo đầu tuần, phố Wall đã đồng loạt mở cửa trong sắc xanh và có đà tăng khá tốt nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng theo đà hồi phục của giá dầu thô và nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi bị bán tháo trước đó.
Tuy nhiên, về cuối phiên, cổ phiếu Apple hạ nhiệt đã khiến Dow Jones đánh rơi hết điểm số đã có được trước đó trong phiên, trong khi S&P 500 và Nasdaq có phiên hồi phục khá tốt.
Một báo cáo cho biết, Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình sơm nhất là vào mùa Xuân cũng hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Năm cho ngày Lễ Tạ ơn và giao dịch trở lại vào ngày thứ Sáu.
Kết thúc phiên 21/11, chỉ số Dow Jones giảm 0,95 điểm (-0,01%), xuống 24.464,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,04 điểm (+0,30%), lên 2.649,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,43 điểm (+0,92%), lên 6.972,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm công nghệ cùng với ngân hàng cũng giúp các chỉ số chính của thị trường này có phiên hồi phục, thậm chí tốt hơn nhiều so với phố Wall trong phiên thứ Tư.
Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng được hỗ trợ tâm lý với thông tin Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini cho biết, Chính phủ nước này có thể xem xét lại ngân sách 2019, tạo kỳ vọng quốc gia này sẽ tránh xung đột với Ủy ban châu Âu (EC).
Kết thúc phiên 21/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 102,31 điểm (+1,47%), lên 7.050,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 177,76 điểm (+1,61%), lên 11.244,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 50,61 điểm (+1,03%), lên 4.975,50 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường cũng mở cửa với mức giảm mạnh do ảnh hưởng của phố Wall trong phiên đêm trước đó, đặc biệt là đà bán tháo theo dây chuyền của nhóm cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm đã được hãm bớt, trong đó chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đảo chiều hồi phục thành công.
Kết thúc phiên 21/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 75,58 điểm (-0,35%), xuống 21.507,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,65 điểm (+0,21%), lên 2.651,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,13 điểm (+0,51%), lên 25.971,47 điểm.
Dù chứng khoán hồi phục, nhưng đồng USD giảm giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba.
Kết thúc phiên 21/11, giá vàng giao ngay tăng 4,5 USD (+0,37%), lên 1.225,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 6,8 USD/ounce (+0,56%), lên 1.228,0 USD/ounce.
Sau khi giảm mạnh 6-7% trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu mạnh với dầu tinh luyện. Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn với nhà đầu tư do nguồn cung tăng.
Theo báo cáo vừa công bố, kho dự trữ dầu thô tuần trước của Mỹ tăng 4,9 triệu thùng, cao hơn dự báo và là tuần tăng thứ 9 liên tiếp. Trong khi đó, kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma giảm 116.000 thùng, mức giảm đầu tiên trong 9 tuần. Kho dự trữ xăng cũng giảm 1,3 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017. Kho dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 77.000 thùng.
Kết thúc phiên 21/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,20 USD (+2,25%), lên 54,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,95 USD (+1,52%), lên 63,48 USD/thùng.