Nhà đầu tư lại đồng loạt bán tháo

(ĐTCK) Phố Wall, nhất là chỉ số Nasdaq lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần mới khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu Apple và nhóm cổ phiếu công nghệ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau khi hồi nhẹ trong phiên cuối tuần trước, phố Wall đã đồng loạt giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, đặc biệt là Nasdaq giảm hơn 3% sau khi Apple bị bán tháo, kích hoạt lệnh bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu Apple bị bán tháo trong phiên đầu tuần sau khi WSJ đưa tin, Công ty đã cắt giảm đơn đặt hàng sản xuất trong những tuần gần đây cho cả 3 mẫu iPhone vừa ra mắt vào tháng 9. Cổ phiếu Apple giảm 4% xuống còn 185,86 USD/cổ phiếu và đã giảm 19,9% so với mức kỷ lục xác lập hôm 3/10.

Sự sụt giảm của Apple cũng kéo theo đà lao dốc của nhóm cổ phiếu FAAG. Ngoài Apple, cổ phiếu Facebook giảm 5,7%, cổ phiếu Amazon giảm 5,1%, cổ phiếu Netflix giảm 5,5% và Alphabet (Google) giảm 3,8%.

Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư còn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung, nên khó có khả năng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận hạ nhiệt cuộc chiến thương mại là khó xảy ra.

Ngoài ra, sau khi Phó chủ tịch Fed tạo Richard Clarida tạo hy vọng cho giới đầu tư với bài trả lời phỏng vấn CNBC cuối tuần trước về khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, thì ngay trong ngày đầu tuần mới, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York John Williams lại dội gáo nước lạnh khi cho biết, Fed đang đẩy mạnh kế hoạch tăng lãi suất vào tháng tới.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm 395,78 điểm (-1,56%), xuống 25.017,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 45,54 điểm (-1,66%), xuống 2.690,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 219,40 điểm (-3,03%), xuống 7.028,48 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù mở cửa với sắc xanh và lình xình gần như suốt phiên, nhưng đồng loạt quay đầu giảm điểm và đóng cửa với sắc đỏ khi kết thúc phiên do ảnh hưởng từ đà bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là Apple khi mở cửa chứng khoán Mỹ. Bên cạnh đó, thông tin Chủ tịch Renault (đồng thời là Chủ tịch Nissan) bị bắt cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,99 điểm (-0,19%), xuống 7.000,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 96,46  điểm (-0,85%), xuống 11.244,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 39,74 điểm (-0,79%), xuống 4.985,45 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy nhóm cổ phiếu công nghệ sau tuần bán tháo trước đó. Ngoài ra, thông tin xuất khẩu của Nhật Bản tăng 8,2% trong tháng 10 cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường, dù mức tăng thấp hơn so với mức dự báo 9% của giới phân tích. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng nhờ các biện pháp kích thích thị trường của Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 140,82 điểm (+0,65%), lên 21.821,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,40 điểm (+0,91%), lên 2.703,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 188,47 điểm (+0,72%), lên 26.372,00 điểm.

Giá vàng giằng co nhẹ trong suốt phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng vẫn đóng cửa có được phiên tăng thứ 7 liên tiếp nhờ đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, cũng như nhận được sự hỗ trợ từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD (+0,23%), lên 1.223,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,3 USD/ounce (+0,27%), lên 1.225,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng nhẹ trong phiên đầu tuần mới khi nhận được hỗ trợ từ báo cáo hàng tồn kho của Mỹ tuần trước đó, cũng như khả năng Liên minh châu Âu theo chân Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, cũng như OPEC cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 19/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,30 USD (+0,53%), lên 56,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,03 USD (+0,05%), lên 66,79 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục