Sau phiên điều chỉnh thứ Ba, phố Wall đã đồng loạt tăng trở lại mạnh mẽ trong phiên thứ Tư với chỉ số S&P và Nasdaq thiết lập đỉnh lịch sử mới khi nhà đầu tư nhận được nhiều thông tin tích cực.
Cụ thể, biên bản cuộc họp chính sách gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, các nhà hoạch định chính sách lạc quan thận trọng về khả năng giữ lãi suất ổn định trong năm nay, đồng thời thừa nhận rủi ro mới từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới virus Covid-19 có ngày giảm thứ 2 liên tiếp tính đến ngày thứ Tư, giúp giới đầu tư thở phào.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng vào việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong ngày thứ Năm này, tiếp nối các biện pháp kích thích kinh tế đã đưa ra trước đó, đồng thời sẽ hạn chế việc hoạt động kinh doanh, du lịch với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dịch bệnh Covid bùng phát này.
Ngoài Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã và dự kiến sẽ đã ra các gói kích cầu để thúc đẩy nền kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong đó, Singapore đưa ra 2 gói kích thích kinh tế quy mô 5,6 tỷ đô la Singapore, cao hơn 24 lần so với gói kích thích để đối phó với dịch SARS. Thái Lan trong khi đó hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% xuống 1%, mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Dow Jones tăng 115,84 điểm (+0,40%), lên 29.348,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,86 điểm (+0,47%), lên 3.386,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 84,44 điểm (+0,87%), lên 9.817,18 điểm.
Cũng như phố Wall, việc các ca nhiễm mới virus Covid giảm và kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế cũng giúp chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng mạnh trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 75,01 điểm (+1,02%), lên 7.457,02 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 107,81 điểm (+0,79%), lên 13.789,00 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 54,42 điểm (+0,90%), lên 6.111,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, tín hiệu tích cực từ số ca nhiễm Covid mới giảm, cùng kỳ vọng các gói kích thích cũng giúp các thị trường tăng điểm trở lại, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 206,90 điểm (+0,89%), lên 23.400,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,57 điểm (-0,32%), xuống 2.975,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 125,61 điểm (+0,46%), lên 27.655,81 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 1,46 điểm (+0,07%), lên 2.210,34 điểm.
Trong khi đó, bất chấp chứng khoán hồi phục mạnh mẽ, giá vàng vẫn duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Tư để đóng cửa ở mức cao nhất từ đầu năm do nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu vì ảnh hưởng từ dịch Covid.
Kết thúc phiên 19/2, giá vàng giao ngay tăng 10,1 USD (+0,63%), lên 1.611,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8,2 USD (+0,51%), lên 1.611,8 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng vọt hơn 2% trong phiên thứ Năm khi nỗi lo bùng phát virus Covid giảm bớt, trong khi Mỹ có khả năng trừng phạt một công ty con của Rosneft (Nga) với cáo buộc cung cấp tài chính cho Chính phủ Venezuela, làm hạn chế nguồn cung từ Venezuela. Cùng với đó, nguồn cung tại Lybia cũng bị gián đoạn từ hôm trước do các cảng bị phong tỏa.
Kết thúc phiên 19/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (+2,38%), lên 53,29 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,37 USD (+2,32%), lên 59,12 USD/thùng.