Niềm vui trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Tưởng chừng sẽ có thêm phiên giảm mạnh trong ngày thứ Ba (9/7), nhưng sự hỗ trợ của các đại gia công nghệ, cùng tín hiệu mới từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã đem lại niềm vui cho nhà đầu tư.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Tiếp nối đà giảm của 2 phiên trước, phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi mở cửa phiên giao dịch thứ Ba và dao động phần lớn thời gian dưới ngưỡng tham chiếu. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu Amazon, Facebook và sự trở lại của Apple đã giúp các chỉ số đảo chiều đi lên.

Ngoài ra, việc Mỹ và Trung Quốc khởi động cuộc đàm phán thương mại khi phía Mỹ cho biết, 2 bên đã có cuộc đàm phán qua điện thoại chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo là “mang tính xây dựng”. Bên cạnh đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho biết các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu về một hiệp ước thương mại cũng đang tiến triển.

Với những thông tin hỗ trợ trên, S&P 500 và Nasdaq đã đảo chiều thành công, trong khi Dow Jones lại thiếu chút may mắn nên không thể về lại được tham chiếu.

Giới đầu tư bây giờ đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell trong phiên điều trần 2 ngày trước Quốc hội trong tuần này.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Dow Jones giảm 22,65 điểm (-0,08%), xuống 26.783,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,68  điểm (+0,12%), lên 2.979,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43,35 điểm (+0,54%), lên 8.141,73 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Đức sau khi tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF cắt giảm lợi nhuận giảm 30% trong quý II do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,80 điểm (-0,17%), xuống 7.536,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 106,96 điểm (-0,85%), xuống 12.436,55 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 17,09 điểm (-0,31%), xuống 5.572,10 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ, còn chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ giảm theo Apple. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 30,80 điểm (+0,14%), lên 21.565,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải  giảm 5,13 điểm (-0,18%), xuống 2.928,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 215,41 điểm (-0,76%), xuống 28.116,28 điểm.

Giá vàng đi ngang trong phiên Á, sau đó giảm khá mạnh vào cuối phiên Á, nhưng cũng nhanh chóng trở lại và duy trì đà tăng nhẹ trong suốt phiên Mỹ. Giá vàng chịu áp lực do đồng USD mạnh lên, nhưng lại được hỗ trợ bởi lực cầu của nhà đầu cơ để đón đầu về đợi sóng mới của giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 9/7, giá vàng giao ngay tăng 2,0 USD (+0,14%), lên 1.397,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.400,5 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng trong phiên thứ Ba khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, trong khi OPEC kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, nhưng mức tăng bị hạn chế do nỗi lo nguồi cung sụt giảm vì chiến tranh thương mại.

Kết thúc phiên 9/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,17 USD (+0,29%), lên 57,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD (+0,08%), lên 64,16 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục