Niềm vui kéo dài với giới đầu tư

(ĐTCK) Kỳ vọng vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm được hướng ra cho cuộc khủng hoảng thương mại hiện nay, cùng kết quả kinh doanh tích cực giúp chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng điểm, trong đó S&P 500 leo lên mức đỉnh lịch sử mới.
Niềm vui kéo dài với giới đầu tư

Thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi vào đàm phán vào cuối tháng 8 này để tìm giải pháp tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng thương mại hiện nay đã giúp giới đầu tư hứng khởi từ cuối tuần trước.

Tuy nhiên, trong phiên đầu tuần, đà tăng của phố Wall có bị hãm lại trong ít phút cuối phiên khi ông Trump chỉ trích kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo của Fed, cũng như cáo buộc Trung Quốc và châu Âu thao túng tiền tệ.

Bước vào phiên giao dịch thứ Ba, những phát biểu của ông Trump trước đó cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường trong những phút đầu giao dịch, nhưng sau đó đà tăng đã được nới rộng dần khi kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng được công bố, cộng với kỳ vọng vào cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp diễn ra.

Chỉ số S&P tiêu dùng tăng 0,9% khi cổ phiếu của công ty bán lẻ TJX, Toll Brothers Inc, Lennar, DR Horton tăng mạnh sau khi có báo cáo kinh doanh tích cực.

Tuy nhiên, thị trường được dự báo sẽ gặp khó khăn trong phiên tiếp theo, bởi ngay khi đóng cửa, luật sư riêng của ông Trump trước đây là Michael Cohen đã nhận tội vi phạm tài chính chiến dịch tranh cử và các cao buộc khác liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016. Sau khi thông tin này được công bố, thị trường chứng khoán tương lai đã quay đầu giảm và báo hiệu tín hiệu xấu với phố Wall trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Dow Jones tăng 63,60 điểm (+0,25%), lên 25.822,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,91 điểm (+0,21%), lên 2.862,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 38,17 điểm (+0,49%), lên 7.859,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố, cùng đà tăng của nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giúp chứng khoán khu vực này tiếp tục duy trì đà tăng. Tuy nhiên, đà tăng không còn mạnh như phiên đầu tuần, thậm chí chứng khoán Anh đảo chiều giảm khi giới đầu tư có cái nhìn thận trọng hơn về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,56 điểm (-0,34%), xuống 7.565,70 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 53,19 điểm (+0,43%), lên 12.384,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,96 điểm (+0,54%), lên 5.408,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù giảm khá mạnh trong phiên sáng, nhưng nhờ đồng yên yếu đi so với đồng USD giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên chiều và đóng cửa với sắc xanh nhạt. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng tốt khi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Bắc Kinh sẽ có các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,73 điểm (+0,09%), lên 22.219,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 154,77 điểm (+0,56%), lên 27.752,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,36 điểm (+1,31%), lên 2.733,83 điểm.

Trên thị trường vàng, việc ông Trump chỉ trích kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo của Fed khiến đồng USD sụt giảm (đồng USD đã giảm 1,6% trong 4 ngày qua), giúp giá vàng có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 21/8, giá vàng giao ngay tăng 5,4 USD (+0,45%), lên 1.195,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 5,4 USD/ounce (+0,45%), lên 1.200,0 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng tiếp tục tăng trong phiên thứ Ba và leo lên mức cao nhất 1 tuần nhờ được hỗ trợ bởi việc Mỹ trừng phạt Iran và đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 21/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,92 USD (+1,37%), lên 67,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,42 USD (+0,58%), lên 72,63 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục