Giới đầu tư đặt cược vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Kỳ vọng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tìm được hướng giải quyết để ngăn cuộc chiến thương mại leo thang, chứng khoán toàn cầu tăng điểm tốt trong phiên đầu tuần mới.
Giới đầu tư đặt cược vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục giúp phố Wall tăng điểm trong phiên đầu tuần mới, nhưng các chỉ số đã hạ nhiệt trong ít phút cuối phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cáo buộc Trung Quốc, cùng châu Âu thao túng tiền tệ.

Vào thứ Tư tới đây, biên bản cuộc họp tháng 8 của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) sẽ được công bố với kỳ vọng cho thấy niềm tin của Fed vào tăng trưởng kinh tế của Mỹ và sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Cuối tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thống đốc ngân hàng trung ương khác sẽ có cuộc họp thường niên tại Jackson Hole, Wyoming. Chương trình nghị sự tại cuộc họp này là về nguyên nhân của việc lạm phát thấp, tăng trưởng tiền lương chậm và năng suất yếu trong nền kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Dow Jones tăng 89,37 điểm (+0,35%), lên 25.758,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,92 điểm (+0,24%), lên 2.857,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,68 điểm (+0,06%), lên 7.821,01 điểm.

Tương tự, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tích cực với việc Mỹ và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để tìm hướng ra cho cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, giới đầu tư nhận định, cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ không thể sớm xấu đi, nên chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm tốt trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 32,67 điểm (+0,43%), lên 7.591,26 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 120,62 điểm (+0,99%), lên 12.331,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 34,72 điểm (+0,65%), lên 5.379,65 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc nhóm cổ phiếu sản xuất chíp giảm, cùng sự thận trọng của giới đầu tư trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ. Trong khi đó, việc cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc có buổi họp kín với các nhà kinh tế, chuyên gia phân tích và các nhà môi giới về tình trạng thị trường chứng khoán hiện tại giúp cải thiện tâm lý thị trường, giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng điểm, kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 71,38 điểm (-0,32%), xuống 22.199,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 384,61 điểm (+1,41%), lên 27.598,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,50 điểm (+1,11%), lên 2.698,47 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục có phiên tăng tốt thứ 2 liên tiếp trong phiên đầu tuần mới nhờ thông tin tích cực từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng lớn. Theo đó, đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức cao nhất 1 tuần sau khi một quan chức kinh tế Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ kích thích chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, đồng USD vẫn duy trì sự ổn định và vẫn ở gần mức cao nhất 14 tháng.

Kết thúc phiên 20/8, giá vàng giao ngay tăng 5,5 USD (+0,46%), lên 1.190,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,8 USD/ounce (+0,23%), lên 1.194,6 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng có phiên tăng thứ 2 liên tiếp sau khi đã chạm mức thấp nhất 7 tuần vào tuần trước.

Kết thúc phiên 20/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,52 USD (+0,78%), lên 66,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,38 USD (+0,53%), lên 72,21 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục