Niềm vui đã quay trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (ngày 25/5), chỉ số VN-Index tăng tới 35 điểm, xấp xỉ 3%, với 415 mã tăng điểm và chỉ có 49 mã giảm điểm.
Niềm vui đã quay trở lại?

Khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 20 phiên kèm theo thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với những phiên giao dịch trước đó. Động thái này cho thấy dường như nhà đầu tư đã tự tin xuống tiền hơn.

Hôm nay, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” mạnh. Cho rằng chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này.

Quyết sách hỗ trợ thị trường

Sáng 24/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Theo đánh giá của Thống đốc, trải qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).

Tuy vậy, bà Hồng cho rằng, kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga - Ukraine, dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, bởi vậy nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới; việc xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch Covid-19 tác động đến tình hình tài chính của khách hàng...

Trước bối cảnh trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

"Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023", bà Hồng đề xuất.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.

Ông Thanh cho biết: “Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”.

Do đó, theo ông Thanh, các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được.

“Những phát biểu và đề xuất nói trên của những người có trách nhiệm tại nghị trường ngay lập tức đã mang lại tâm lý tích cực cho nhà đầu tư, thể hiện không những ở việc gần như toàn bộ các mã cổ phiếu ngân hàng trên HOSE ngập tràn trong sắc xanh khi kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay mà trên bình diện rộng hơn là sắc xanh áp đảo trên toàn bộ các sàn giao dịch, từ HOSE, HNX cho tới UPCoM”, một chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán thuộc tốp đầu thị trường nhận xét.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có một số động thái quyết liệt như yêu cầu công bố trở lại thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, điều chỉnh cách tính giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thực hiện giao dịch lô lẻ trong thời gian sắp tới. Các biện pháp này được cho là nhằm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, tăng tính minh bạch của thị trường.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức sáng 25/5, khi nhận định về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV cho biết: “Với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraina và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát… dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Cụ thể, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5 - 6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này, nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới, cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn”.

Vũ Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ