Bởi dù có rất nhiều cơ hội đang mở ra cho Việt Nam sau khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và dù Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc Đổi mới, song thành hay bại, tận dụng được cơ hội đến đâu, thực thi Nghị quyết Đại hội Đảng thế nào lại phụ thuộc rất lớn vào các giải pháp điều hành của Chính phủ.
Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, từng bước đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau Đổi mới.
Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng và toàn diện cũng là những dấu ấn quan trọng của nhiệm kỳ này. Nhờ vậy, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Thành tựu là đáng ghi nhận, song những điểm yếu của nền kinh tế cũng vẫn tồn tại. Từ chuyện nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách còn cao, đến tăng trưởng kinh tế chưa cao, tái cơ cấu kinh tế còn chậm… Đây là những “món nợ” đang được trao cho nhiệm kỳ Chính phủ mới. Thậm chí, nhiệm vụ còn nặng nề hơn so với giai đoạn trước, bởi bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, bất ổn, cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh…
Thay đổi mạnh mẽ về tư duy, tạo đột phá về cải cách thể chế, xây dựng được một Chính phủ kiến tạo và phát triển… sẽ không chỉ tạo ra một thế hệ lãnh đạo đất nước mới năng động, quyết đoán, mà còn tạo cơ hội để Việt Nam thịnh vượng hơn.
Tình hình càng khó khăn, kỳ vọng được đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới càng lớn. Giải quyết những “món nợ” nêu trên là một chuyện, chuyện khác là làm sao cắt giảm chi tiêu công, tinh giản bộ máy, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân, đẩy lùi và chấm dứt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm...
Quan trọng hơn, để tránh tụt hậu, để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, cái gốc phải là cải cách thể chế, bởi đây chính là nguồn gốc của tụt hậu, yếu kém. Thay đổi mạnh mẽ về tư duy, tạo đột phá về cải cách thể chế, xây dựng được một Chính phủ kiến tạo và phát triển… sẽ không chỉ tạo ra một thế hệ lãnh đạo đất nước mới năng động, quyết đoán, mà còn tạo cơ hội để Việt Nam thịnh vượng hơn, như Báo cáo Việt Nam 2035 từng đề cập. Và cũng không thể không nhắc tới những vấn đề liên quan an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… Nhiệm vụ nào cũng nặng nề, cũng thiêng liêng, to lớn…
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, “sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”. Và rằng, Chính phủ và Thủ tướng sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước, khắc phục hạn chế, yếu kém...; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân…
Sẽ còn một bước nữa để hoàn thành trọn vẹn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới. Nhưng trong bối cảnh không chỉ bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới sắp hoàn thiện, mà là cả một bộ máy chính trị mới của đất nước vừa chính thức thành lập, với những vị lãnh đạo đầy đủ tài đức, nhân dân có thể hoàn toàn kỳ vọng và tin tưởng vào chặng đường phát triển mới của đất nước.