Niềm tin kinh doanh thoát “âm” trong dè dặt

Chỉ số động thái dự cảm tổng hợp (VBIS) năm 2014 mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày hôm qua đã trở lại mức điểm dương sau 2 năm liền âm.
Niềm tin kinh doanh thoát “âm” trong dè dặt

Đây là dấu hiệu tích cực, ghi nhận sự lạc quan đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp khi nhận định về tình hình kinh doanh năm tới.

Song điểm đáng quan tâm khi quan sát động thái này là doanh nghiệp khá dè dặt khi nói về kế hoạch kinh doanh của mình. Thực tế cho thấy, có tới 50,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát không thay đổi quy mô kinh doanh; 6,7% có thể giảm quy mô và 0,1% doanh nghiệp lo ngại phải tạm dừng hoạt động. Trong tỷ lệ đáng kể (42,5%) doanh nghiệp được khảo sát muốn mở rộng quy mô, thì đa phần lại không tin tưởng vào chính mình.

Sự dè dặt này có lý do khi nhiều yếu tố chính thúc đẩy các kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp đang được xem là “khá chấp chới”. Hầu hết doanh nghiệp chưa nhìn thấy sự cải thiện mạnh trong các yếu tố liên quan đến thị trường trong nước, hàng tồn kho và môi trường pháp lý.

Đặc biệt, những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu được đưa ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ chưa tạo được hiệu ứng mạnh.

Khảo sát của VCCI đã minh chứng điều này khi có tới 60% doanh nghiệp đánh giá rằng, các chính sách và giải pháp nêu trên mới hỗ trợ doanh nghiệp ở mức bình thường, 40% doanh nghiệp đánh giá ở mức thấp. Các giải pháp giải quyết tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không được đánh giá cao, bởi có tới 42% doanh nghiệp cho điểm thấp và rất thấp với giải pháp giải quyết hàng tồn kho. Rõ ràng, doanh nghiệp chưa cảm nhận được những tác động tích cực và cụ thể của các giải pháp tới nỗi ám ảnh về hàng tồn kho kéo dài.

Một số giải pháp, chính sách như xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, hay tăng cường chi từ ngân sách nhà nước… cũng không được đánh giá cao. Thậm chí, các doanh nghiệp lo ngại việc phát hành trái phiếu và tín phiếu đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp cho dù giải pháp này cung cấp đầu ra an toàn cho các ngân hàng thương mại.

Trong số các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá cao, thì giải pháp gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% tiến thu đất năm 2013 và 2014 với một số tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được đánh giá có tác động hỗ trợ tích cực hơn cả. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa đủ để giúp doanh nghiệp vực dậy. Tình hình thậm chí còn khó dự đoán hơn khi các doanh nghiệp lo ngại về sự tăng thấp của thị trường nội địa cùng như khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong năm tới. Đây cũng là lý do khiến gần 35% doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Cũng phải nói thêm, các yếu tố liên quan đến chính sách kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô được các doanh nghiệp đánh giá ở mức cải thiện đáng kể so với năm trước. Trong số này, thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ công quyền và hiệu lực thực thi các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được đánh giá cao nhất.

Vấn đề nổi cộm ở đây là chất lượng của các chính sách, quy định pháp lý lại bị cho điểm rất thấp và giảm rất mạnh so với đánh giá của doanh nghiệp cách đây 1 năm. Rất có thể, sự không vào cuộc của không ít giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua có lý do ngay từ nội dung của các giải pháp này.

Thực trạng trên chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế thời gian tới, đòi hỏi phải có thêm biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

Bảo Duy (baodautu.vn)
Bảo Duy (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục