
Theo công điện mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát tiến độ triển khai các công trình, dự án đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của khu vực; có tính chất tạo liên kết liên vùng, tạo động lực phát triển khu vực… để lựa chọn công trình, dự án đủ điều kiện đăng ký khởi công, khánh thành vào dịp 30/4/2025. Nhằm tránh việc khởi công lấy ngày, các địa phương phải hoàn thành các thủ tục theo quy định, bảo đảm đủ điều kiện để tổ chức khởi công, khánh thành các công trình, dự án; đồng thời chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để tổ chức lễ khởi công, khánh thành chung các dự án trên toàn quốc theo hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu (dự kiến tổ chức vào ngày 26/4/2025).
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Xây dựng cũng xác định đưa vào khai thác một loạt dự án hạ tầng trọng điểm như Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đoạn Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang; 20 km cao tốc Bến Lức - Long Thành. Phần lớn những công trình nói trên đều có những bước nước rút ấn tượng trong thời gian vừa qua, với tiến độ thi công được rút ngắn từ 3 đến 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương khởi công 5 dự án đã phê duyệt đầu tư trong quý II/2025. Đó là các dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Ninh Cường, các cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn II. Đồng thời, gấp rút hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư, sớm khởi công 3 dự án theo đúng tiến độ chỉ đạo: mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (sớm thực hiện phê duyệt Dự án trong tháng 4-5/2025 để khởi công trong quý II/2025); Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (khởi công vào quý IV/2025).
Ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, những dự án hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn, tác động lan tỏa cao được chọn khởi công, khánh thành trong dịp lễ trọng sắp tới còn là những cú hích quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng góp phần hoàn thành đa mục tiêu. Đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.
Sẽ không dễ để các chủ đầu tư hoàn thành đúng tiến độ các công việc đồ sộ nói trên với yêu cầu khắt khe về tiến độ, chất lượng. Lý do là, ngoài việc phải vượt lên chính mình, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các chủ đầu tư phải cùng các cơ quan, đơn vị đổi mới tư duy và phương thức triển khai. Như vậy mới có thể đáp ứng yêu cầu tiến độ trong bối cảnh hiện nay. Các địa phương cũng sẽ phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, không để liên tục “trượt” tiến độ hoàn thành theo cam kết, đồng thời xác định đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ.
Đây chính là “những việc cần làm ngay” của ngành xây dựng và các địa phương - như tinh thần chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm - để cùng cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục 2 con số trong những năm tiếp theo trong điều kiện cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, cũng như trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường.