Những vấn đề đặt ra từ vụ thao túng giá cổ phiếu ASA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hành vi thao túng giá cổ phiếu ASA xảy ra từ năm 2013, song sau 9 năm mới bị phanh phui.
Thao túng giá cổ phiếu là câu chuyện nhức nhối trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thao túng giá cổ phiếu là câu chuyện nhức nhối trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cuối tháng 1/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát đi thông tin đang tiến hành điều tra hành vi tạo cung - cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần Liên doanh Sana WMT (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn ASA, mã chứng khoán ASA).

Cơ quan điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Văn Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ASA với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do ông này có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA thông qua việc niêm yết bổ sung để bán và thu tiền bất chính.

Trước khi thông tin trên được đưa ra, ông Nam đã rời vị trí lãnh đạo ASA từ năm 2015. Những tình tiết cụ thể của vụ án sẽ phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng, nhưng lật lại lịch sử giao dịch của cổ phiếu ASA, có thể thấy, cổ phiếu này từng có thời điểm “thăng hoa” ngay sau khi lên sàn và “tắt lịm” chóng vánh.

Biến động bất thường của cổ phiếu cùng kế hoạch tăng vốn ASA, tiền thân là Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Sana, được thành lập năm 2007, với vốn điều lệ 16 tỷ đồng, kinh doanh các loại bột giặt, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa và dầu ăn. Năm 2011, Công ty tăng vốn lên 30 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh doanh của Công ty khá khiêm tốn, khi lợi nhuận năm 2011 chỉ đạt 1 tỷ đồng, còn năm 2012 là 408 triệu đồng. Cổ phiếu ASA được niêm yết trên sàn HNX từ ngày 12/3/2012. Trong 1 tháng đầu, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt vài nghìn cổ phiếu/phiên.

Tuy vậy, từ sau ngày 20/4/2012, thanh khoản tăng mạnh. Đơn cử, ngày 13/7/2012, khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt 157.000 đơn vị, giá đóng cửa đạt 14.400 đồng/cổ phiếu.

Đỉnh điểm, ngày 28/12/2012, khối lượng giao dịch đạt 294.400 cổ phiếu. Sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh ở mức hơn 17.000 đồng/cổ phiếu thì đến ngày 12/6/2013, cổ phiếu ASA bắt đầu mất thanh khoản. Đến năm 2014 - 2015, giá cổ phiếu rớt mạnh về vùng 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu.

Giai đoạn thanh khoản và giá cổ phiếu tăng mạnh cũng trùng với giai đoạn Công ty triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 5/2/2013, Hội đồng quản trị Công ty có Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng thông qua phát hành 7 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Mục đích là nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động; mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư.

Đáng nói là, sau đúng 1 tháng, ngày 5/3/2013, Công ty mới công bố thông tin này trên HNX.

Đến giữa năm 2019, cổ phiếu ASA bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX, chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM và bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần).

Lý do là Công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin (tính đến ngày 12/4/2019, Công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, báo cáo soát xét bán niên 2018 và báo cáo tài chính quý IV/2018 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018.

Nhờ sóng cổ phiếu penny, cổ phiếu “rác” trong năm 2021, thị giá cổ phiếu này có lúc đạt trên 14.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi bị HNX ra quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 24/1/2022, thị giá cổ phiếu này đứng ở mức 12.600 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính cập nhật nhất (báo cáo soát xét bán niên 2021) của ASA cho thấy, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm ngoái của Công ty là 320 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2020 âm 306 triệu đồng. Kết quả kinh doanh không đáng kể, lợi nhuận đến từ đầu tư tài chính, chủ yếu là các khoản góp vốn, đầu tư bất động sản.

Hủy giao dịch cổ phiếu, cổ đông dài cổ đòi tiền

Trở lại với vụ án thao túng giá cổ phiếu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu lãnh đạo ASA, được biết, trong quá trình giám sát, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện có một số dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính của Công ty cũng như trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng và giao dịch cổ phiếu ASA nên đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Sau khi vụ án bị khởi tố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định hủy 7 triệu cổ phiếu trong đợt tăng vốn trên.

Việc hủy bỏ giao dịch của lô cổ phiếu trên sau khi vụ việc diễn ra 9 năm, khi ông Nam đã bán ra để trục lợi khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Quyền lợi của phía nhà đầu tư sẽ được giải quyết ra sao?

Vấn đề là trên thị trường chứng khoán, việc giao dịch cổ phiếu diễn ra liên tục, lô cổ phiếu bất hợp pháp kia chắc chắn đã được sang tay qua nhiều nhà đầu tư, việc xác định đối tượng thiệt hại ra sao?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh cho biết, việc mua - bán cổ phiếu là một giao dịch dân sự. Khi giao dịch dân sự bị vô hiệu do vi phạm pháp luật thì các bên hoàn trả lại những gì đã nhận, tức là ai đã nhận tiền thì phải trả lại tiền.

Do vụ án có yếu tố hình sự nên trong quá trình điều tra, nếu các cá nhân liên quan đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường cho nhà đầu tư thì vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ không còn được đặt ra.

Trái lại, nếu các bên không giải quyết xong việc bồi thường thì nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án hình sự. Họ có thể sẽ phải mất nhiều năm để theo đuổi vụ án để đòi lại tiền do quá trình tố tụng gồm nhiều thủ tục, quy trình như điều tra, truy tố (xét xử theo trình tự cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm), thi hành án.

Chặn thao túng giá, cần “bám thời sự”

Vụ việc thao túng giá chứng khoán, giả mạo hồ sơ tại ASA không phải là câu chuyện mới trên thị trường chứng khoán. Nhưng thực tế, những thủ đoạn khá quen thuộc này lại mất nhiều năm mới bị phát giác và mất nhiều thời gian để xác minh, điều tra.

Trước đó, quá trình điều tra vụ án thao túng giá cổ phiếu MTM trải qua 4 - 5 năm. Còn các quyết định xử phạt hành chính thông thường cũng mất từ 1 - 2 năm như với các trường hợp cổ phiếu HID, TTB, V21…

Việc chậm phát hiện và xử lý đối với các trường hợp thao túng giá cổ phiếu gây thiệt hại rất lớn đối với cổ đông, nhà đầu tư.

Trong khi đó, việc chậm phát hiện và xử lý đối với các trường hợp này gây thiệt hại rất lớn đối với cổ đông, nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn của luật sư Vũ Ngọc Chi, cơ quan quản lý phải tuân thủ thời hiệu trong pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (đối với lĩnh vực chứng khoán là 2 năm) nhưng cần thiết phải “bám thời sự” hơn nữa trước diễn biến cổ phiếu tăng giá bất thường nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Quan trọng hơn cả là quyết định xử phạt phải đúng và đủ sức răn đe.

Năm 2021, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, bổ sung thêm quy định công ty chứng khoán phải “thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính” (Điều 89).

Pháp luật đã nâng trách nhiệm giám sát giao dịch của công ty chứng khoán lên một mức cao hơn, quy định thành nghĩa vụ của công ty chứng khoán trong luật nhằm hoàn thiện ý tưởng của cơ quan quản lý về ba tầng giám sát giao dịch là công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo ông Chi, quy định này giúp tăng cường giám sát lẫn nhau để tăng trách nhiệm của đơn vị thực hiện và thể hiện rõ trong việc đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định mạnh tay với các công ty chứng khoán không tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục