Những trận “dội bom”

(ĐTCK-online) TTCK Việt Nam non trẻ vốn rất nhạy cảm lại thường phải chịu những trận "dội bom". Đó là những quyết định không đúng lúc, đúng chỗ từ cơ quan quản lý, làm cho thị trường luôn chao đảo, mà muốn phát triển bình thường thì cũng rất khó khăn.
Nhà đầu tư mong muốn các cơ quan quản lý phải lấy đại cục làm trọng

Vào năm 2001, thị trường đang hừng hực khí thế, hàng thiếu trong khi nhu cầu mua lại rất cao, lẽ ra cơ quan quản lý phải tìm cách đưa thêm hàng vào (chắc không khó và lại còn rất khả thi) thì lại “đánh đùng” một cái, cơ quan quản lý thị trường ra quyết định một cách cơ học: mỗi lệnh chỉ được mua tối đa 2.000 cổ phiếu! Thế là thị trường đổ nhào như xuống dốc mất phanh, VN-Index từ trên 500 điểm xuống còn hơn 130 điểm. Nhà đầu tư “kẻ mất người còn”, “kẻ cười, người khóc”, chạy tan tác.

Vào quí III/2006, “đùng” một cái nữa, cơ quan quản lý ra quyết định xoá bỏ thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, kể từ ngày 1/1/2007. Thế là các doanh nghiệp ào ào, vắt chân lên cổ cho kịp thời gian nộp đơn đăng ký lên sàn. Trên bàn, từng chồng, từng chồng hồ sơ chờ xét duyệt. Không ai biết chất lượng của sự vội vàng ấy ra sao, nhưng người ta có quyền nghi ngờ rằng, để tiết kiệm được mấy trăm tỷ đồng tiền thuế, thì các doanh nghiệp dù có chi ra vài tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để cho kịp niêm yết cũng còn lãi chán (!?). Giờ thì sao? Suốt 6 tháng đầu năm nay, chỉ có thêm một doanh nghiệp lên sàn. Còn từ nay đến sang năm, một lượng khổng lồ vốn của các đại gia được đưa vào TTCK. Thật là lúc no dồn, lúc đói góp. Thị trường vì thế mà có phần méo mó, khó thể phát triển bình thường được.

Giờ thì đến lượt Ngân hàng Nhà nước “đánh đùng một cái”. Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, buộc các ngân hàng thương mại chỉ được cho vay kinh doanh chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ. Chỉ thị này đã làm biết bao nhà đầu tư trên TTCK và các ngân hàng thương mại gặp khó, vì họ chưa được chuẩn bị gì cả. Thậm chí, có ngân hàng đã cho vay cao hơn tỷ lệ 3%, giờ cuống cuồng lo việc thu hồi lại vốn liệu có kịp trước thời điểm thực hiện là cuối năm nay. Điều này khiến nhà đầu tư chứng khoán không vay được tiền, mặt khác nhà đầu tư có thể phải bán cổ phiếu sớm hơn kế hoạch. Thật dễ hiểu, không có tiền thì lấy gì mà buôn. Dòng tiền sẽ chảy ngược lại ngân hàng và thế là TTCK cung có xu hướng vượt cầu. Thị trường vừa mới hồi phục lại bị choáng, chao đi đảo lại quanh mức 1.000 điểm, không sao bứt lên được. Chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến các đợt IPO sắp tới.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hầu hết các ngân hàng trên thế giới không cho vay kinh doanh chứng khoán. Đã biết vậy thì Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu sao không có hướng dẫn, đến nay “cứ thả rồi mới bắt” để tỏ “uy quyền” của mình thì tội cho các ngân hàng và nhà đầu tư quá.

Ở đây, dễ nhận thấy rằng, có sự non kém của cơ quan điều hành. Quyền lợi của nhà đầu tư chưa được coi trọng có lẽ cũng là do có sự khác biệt quyền lợi của các bên. Nếu chỉ vì mục đích cầu toàn cho ngành mình, thì Chỉ thị 03 đã làm được điều này. Nhưng nhà đầu tư mong muốn các cơ quan quản lý phải lấy đại cục làm trọng.

Tuy vậy, nhà đầu tư cũng được an ủi và động viên đôi phần vì ở tầng tối cao - Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị phải dãn việc tiến hành IPO của các “đại gia” trong thời gian tới, tránh ảnh hưởng đến thị trường. Bởi nếu không, không những nhà đầu tư bị thiệt hại mà nguồn thu cho ngân sách từ các đợt đấu giá này mang lại cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thế còn những cái “đùng” khác thì sao? 

Quang Hoan
Quang Hoan

Tin cùng chuyên mục