Cách tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro rất đa dạng
Tại hầu hết các quốc gia phát triển, cùng với sự lớn mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng là sự trưởng thành của các cơ quan thanh tra giám sát, theo đó, các phương pháp thanh tra và giám sát của cơ quan này thường đạt đến trình độ tiên tiến nhất định.
Hiện nay, đa số các cơ quan thanh tra, giám sát đều áp dụng cách tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro, cụ thể, việc quyết định đối tượng thanh tra, cách thức triển khai (tại chỗ/từ xa), phạm vi thanh tra và tần suất thanh tra phụ thuộc vào kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tài chính theo các nhóm rủi ro khác nhau. Tuy nhiên, do đặc điểm của hệ thống tài chính của mỗi nước là khác nhau nên phương pháp này cũng đã được “thiên biến vạn hóa”, tạo nên sự đa dạng trong quá trình triển khai.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam
Về cách thức triển khai, đa số các nước đều chia thành thanh tra tại chỗ (on-site) và giám sát từ xa (off-site). Tại Đức, thanh tra tại chỗ có thể được thực hiện định kỳ hàng năm hoặc theo các chuyên đề đặc biệt do chính Cơ quan Giám sát tài chính điều hành hoặc cơ quan này sẽ cử nhân sự tham gia cùng với các đợt kiểm toán của các đơn vị kiểm toán độc lập.
Đối với thanh tra giám sát từ xa, tại một số nước như Pháp, Anh, Hà Lan…, ngoài việc sử dụng thông tin từ các báo cáo theo quy định (báo cáo kiểm toán độc lập, báo cáo kiểm toán nội bộ…), còn sử dụng bảng câu hỏi thường niên để đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tài chính. Các câu trả lời sẽ được phân tích, đánh giá một cách hệ thống và kết quả là các tổ chức tài chính sẽ được phân loại theo các nhóm ưu tiên giám sát khác nhau.
Loại rủi ro của từng tổ chức tài chính sẽ quyết định mức độ chuyên sâu và mức độ thường xuyên của các đợt thanh tra tại chỗ. Đối với những tổ chức được đánh giá là rủi ro cao thì sẽ phải thanh tra thường xuyên bất kể quy mô lớn hay bé. Ngoài ra, các “ông lớn” trong ngành sẽ được thanh tra thường xuyên hơn do mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, cũng như mức độ tác động lớn lên thị trường.
Một số nước như Đức, Mexico còn kết hợp thêm một số yếu tố khác như các thay đổi trọng yếu bất thường về mặt tài chính hoặc hồ sơ kinh doanh, các phát hiện sai lệch nghiêm trọng từ đợt thanh tra trước, các thông tin xấu từ các nguồn như công ty luật, báo chí, thư tín…
Đối với giám sát từ xa, hầu hết các nước đều triển khai theo nguyên tắc giám sát liên tục. Kết quả của việc giám sát từ xa cũng là một phần đầu vào quan trọng để quyết định nhóm/loại rủi ro của tổ chức tín dụng, cũng như phạm vi tiến hành thanh tra tại chỗ. Tại một số nước phát triển như Úc, Ý, việc phân tích và đánh giá từ xa được hỗ trợ bởi các công cụ khai thác và phân tích dữ liệu hàng đầu nhằm quét qua mọi dữ liệu của tất cả các tổ chức tài chính, qua đó đẩy ra các giá trị bất thường để giúp thanh tra viên phát hiện vấn đề. Điều này sẽ giúp cho thanh tra viên có được những đánh giá toàn diện và mang tính hệ thống cao, đặc biệt là đặt trong tương quan so sánh với các tổ chức khác trong toàn hệ thống.
Triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro gặp nhiều hạn chế
Thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro là một phương pháp được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù không phải là phương pháp mới, nhưng việc áp dụng phương pháp này vào quá trình giám sát hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Do thiếu hụt một số nền tảng và nguồn lực cơ bản, hiện nay, thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng của Việt Nam chủ yếu dựa trên giám sát về tuân thủ, nghĩa là đánh giá xem các ngân hàng có vượt quy định hay sai phạm không, đối với những ngân hàng vượt xa ngưỡng cho phép thì sẽ tiến hành thanh tra tại chỗ chuyên sâu.
Điều này có thể phù hợp với giai đoạn hiện tại, tức là mức độ phát triển của thị trường tài chính chưa cao. Nhưng trong tương lai, nếu thị trường phát triển ở mức độ phức tạp và tinh vi hơn, cách thức này có thể sẽ không mang lại hiệu quả trong việc xác định các ngân hàng có nguy cơ trước khi nó quá xấu hoặc đổ vỡ.
Để tiến tới áp dụng hiệu quả phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro, một số nền tảng cơ bản cần phải được hoàn thiện hoặc nâng cấp, cụ thể như sau:
Hoàn thiện công cụ giám sát hoặc nguồn thông tin đầu vào
Hiện nay, nguồn thông tin đầu vào cho mục đích phân tích và đánh giá các tổ chức tín dụng chính là các chỉ tiêu hoặc số liệu trên các báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán độc lập, báo cáo kiểm toán nội bộ, các báo cáo thống kê theo quy định… Từ các nguồn thông tin này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ dựa vào các chỉ tiêu như hệ số an toàn vốn, chỉ số thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ giới hạn tín dụng/đầu tư… để đánh giá mức độ tuân thủ của các ngân hàng.
Tuy nhiên, một vài thông số quan trọng theo thông lệ quốc tế vẫn chưa được yêu cầu cung cấp. Ví dụ, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kết quả của mô hình kiểm thử sức chịu đựng (stress test) là rất quan trọng. Dù vậy, trong Báo cáo Tìm hiểu năng lực và ưu tiên giám sát hệ thống ngân hàng của AMRO (tháng 2/2015) đối với các nước ASEAN+3, có 4 quốc gia có ngành ngân hàng kém phát triển hơn không yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện kiểm thử sức chịu đựng, trong đó có Việt Nam.
Tại các nước phát triển, kiểm thử sức chịu đựng là một công cụ quan trọng để kiểm tra cách các tổ chức tài chính ứng phó với các tình huống khủng hoảng và kết quả này sẽ giúp cơ quan thanh tra xác định, giám sát các rủi ro tiềm tàng tốt hơn.
Nâng cao tính minh bạch của thông tin trong toàn hệ thống
Để có thể đánh giá được đầy đủ và chính xác mức độ tác động của một tổ chức tài chính trong toàn hệ thống, cũng như mức độ rủi ro tiềm tàng của chính tổ chức tài chính này, đòi hỏi thông tin của hệ thống phải đúng đắn, minh bạch và nhất quán.
Điều này giúp cho việc phân tích, so sánh một tổ chức tài chính với các tổ chức tài chính khác hiệu quả và có ý nghĩa hơn. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro gian lận, che giấu các vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, giao dịch các bên liên quan, vốn ảo…, giúp cho các đánh giá của cơ quan thanh tra sát với thực tế hơn.
Tăng cường chuyên gia trong các lĩnh vực mới và phức tạp
Như là một hệ quả tất yếu, hệ thống tài chính ngân hàng ngày càng phát triển thì năng lực thanh tra giám sát cần phải được cải thiện tương ứng. Đặc biệt, ngoài các kỹ năng giám sát ngân hàng nói chung, việc bắt kịp mức độ phức tạp và biến chuyển khó lường của thị trường đòi hỏi nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực hơn, ví dụ chuyên gia về kinh doanh hàng hóa phái sinh, chuyên gia về mô hình rủi ro như mô hình kiểm thử sức chịu đựng, mô hình rủi ro tín dụng, các chuyên gia có hiểu biết về các chuẩn mực quốc tế như Basel, IFRS…
Đây là nhu cầu thiết yếu của bất kỳ cơ quan thanh tra giám sát nào, tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này cần phải có cơ chế thu hút và giữ chân chuyên gia phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh cao khi đặt trong tương quan so sánh với các ngân hàng thương mại.
Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thanh tra, giám sát
Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang được tăng cường và đẩy mạnh thông qua các dự án lớn như Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS). Tuy nhiên, xét ở góc độ thanh tra giám sát, để hỗ trợ công tác này, cần thiết phải có các công cụ ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao tính hiệu quả trên toàn hệ thống. Ví dụ, cần phải có công cụ phần mềm để xác định và phân loại mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng trên toàn hệ thống.
Công cụ này sẽ tích hợp thông tin đầu vào từ các phần mềm khác một cách tự động, qua đó giảm thiểu thời gian nhập dữ liệu, giúp các thanh tra viên tập trung vào các hoạt động có giá trị khác như phân tích, đánh giá, khuyến nghị, cảnh báo…
Ngoài ra, việc áp dụng các công cụ khai thác và phân tích dữ liệu chuyên sâu (data mining tool) trong công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa, là vô cùng hữu hiệu, giúp tăng cường tính chính xác và tính hệ thống trong quá trình đánh giá.