Mua bán sáp nhập: Biện pháp hữu hiệu trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với Báo Đầu tư Chứng khoán tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016. 
Việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém Việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém

Sau 4 năm triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, câu chuyện được đề cập đến đầu tiên thường đó là sự ổn định, an toàn hệ thống, thưa ông?

Đúng vậy, sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD đã được giữ vững và cải thiện; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD đã hoàn toàn được ngăn chặn, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD cơ bản đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động (tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật). Thanh khoản được bảo đảm và cải thiện nhờ NHNN điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nợ xấu của hệ thống được xử lý quyết liệt, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng khá và yếu kém trong hoạt động ngân hàng được xử lý.

Đây là̀ điều kiện quan trọng giúp hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Bùi Huy Thọ 

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình cơ cấu lại các TCTD đến nay?

Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng trên nguyên tắc tự nguyện được diễn ra mạnh mẽ nhất từ trước tới nay (trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 12/2015), 9 TCTD được sáp nhập, hợp nhất vào TCTD khác; 4 TCTD được mua lại, không bao gồm 3 ngân hàng được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, Đại Dương, Dầu khí toàn cầu) nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động bên cạnh ý nghĩa xử lý TCTD yếu kém đã khẳng định việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém.

Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng giảm dần thông qua M&A đã được rút giấy phép, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém (20 TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Đồng thời, điều này cũng phản ánh sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức của các chủ sở hữu các TCTD từ chỗ e ngại sang chủ động, tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới như là một tất yếu khách quan để định hướng chiến lược cho sự tồn tại, phát triển lâu dài, an toàn, hiệu quả bền vững.

"M&A là một trong những biện pháp xử lý TCTD yếu kém phổ biến được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và cũng được ưu tiên áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các TCTD vừa qua vì những ưu việt của kỹ thuật này"

- ông Bùi Huy Thọ.

Trong một số trường hợp, NHNN đã áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc (đặt vào kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc) với các ngân hàng thương mại yếu kém, không có khả năng thực hiện phương án cơ cấu lại được duyệt, hoặc không có phương án cơ cấu lại khả thi để kiểm soát toàn diện, nhằm tránh khả năng lan truyền rủi ro gây mất an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và tránh đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Bên cạnh áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nhằm xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, NHNN vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD và nhà đầu tư mới có vốn, công nghệ, quản trị tham gia vào cơ cấu lại ngân hàng yếu kém để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Vì vậy, quá trình cơ cấu lại các TCTD đến nay chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội, kể cả đối với việc mua lại các ngân hàng yếu kém.

Điều thị trường hiện cũng rất quan tâm đó là môi trường kinh doanh ngân hàng từng bước được lành mạnh hóa…?

Từ cuối năm 2011 đến nay, qua công tác thanh tra giám sát, NHNN chủ động phát hiện, xử lý và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nhằm xử lý những tồn tại, yếu kém cố hữu và vi phạm pháp luật của các TCTD. Trong đó, ưu tiên áp dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để tài sản cho ngân hàng và bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD. Các giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém đã được áp dụng theo nguyên tắc đúng pháp luật và những tổn thất của ngân hàng phải do cổ đông, chủ sở hữu gánh chịu.

Khách hàng vay và cổ đông có vay, sử dụng vốn của ngân hàng có trách nhiệm trả nợ ngân hàng, kể cả phải chuyển nhượng cổ phiếu, đưa tài sản hợp pháp vào ngân hàng để khắc phục hậu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tái cơ cấu, NHNN phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện giám định tư pháp phục vụ cho quá trình điều tra, tố tụng để xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật…

Việc xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm, nổi cộm trong lĩnh vực ngân hàng thực sự có tác dụng răn đe, giáo dục cho cán bộ, khách hàng, nhà đầu tư, chủ sở hữu của ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện trách nhiệm, đồng thời làm giảm động cơ vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, thao túng, trục lợi. Tư duy, nhận thức của lãnh đạo và cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn của ngân hàng đã trở nên đúng đắn hơn trong việc đầu tư, sử dụng vốn và quản trị, điều hành ngân hàng một cách có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật; chấm dứt tư duy đầu tư, sở hữu ngân hàng để biến ngân hàng trở thành kênh dẫn vốn phục vụ cho nhóm lợi ích.  

Qua đó, môi trường kinh doanh ngân hàng từng bước được lành mạnh hóa. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông có thể chia sẻ về vai trò của M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam?

Như đã đề cập ở trên, thời gian qua, NHNN đã triển khai các biện pháp xử lý và cơ cấu lại TCTD yếu kém nhằm hướng tới hình thành hệ thống TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh. Trong đó, biện pháp M&A đã và đang khẳng định vai trò hữu hiệu trong cơ cấu lại TCTD, góp phần quan trọng trong việc triển khai và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015.

"NHNN khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, trong trường hợp mua lại cổ phần vốn góp của TCTD yếu kém sẽ có thể được xem xét việc góp vốn vượt giới hạn sở hữu quy định"

- ông Bùi Huy Thọ.

M&A là một trong những biện pháp xử lý TCTD yếu kém phổ biến được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và cũng được ưu tiên áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các TCTD vừa qua vì những ưu việt của kỹ thuật này: không sử dụng nguồn tài chính công, tận dụng tối đa nguồn lực tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu, không làm gián đoạn sự vận hành của các chức năng của hệ thống, tối ưu hóa lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

Ngoài ra, trong bối cảnh của Việt Nam, sáp nhập, hợp nhất còn góp phần để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo - đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy (tài chính không minh bạch, đầu tư đan chéo) và là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến các yếu kém trong hoạt động của TCTD.

Trên thực tế, các hoạt động M&A các TCTD trong những năm qua diễn ra khá sôi động, không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD lành mạnh mà còn diễn ra giữa các TCTD lành mạnh với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp quy định của pháp luật. Các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém cơ cấu lại bằng biện pháp M&A vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục xử lý.

NHNN đã hoàn toàn nhận diện được điều này và đã yêu cầu các TCTD sau M&A xây dựng và triển khai các giải pháp cơ cấu lại tại Đề án/Phương án cơ cấu lại dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Thời gian qua, biện pháp M&A các TCTD đã chứng tỏ và phát huy tác dụng. Các vấn đề yếu kém, tồn tại của TCTD sau M&A đã từng bước được xử lý. Các TCTD sau M&A nhìn chung đều hoạt động ổn định, chất lượng tài sản được tăng cường, các chỉ số an toàn đều được cải thiện.

Hiện nay, NHNN đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý có hiệu quả nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Với những kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn vừa qua và những ưu việt của giải pháp M&A, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các TCTD thực hiện M&A trong thời gian tới.

NHNN khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, trong trường hợp mua lại cổ phần vốn góp của TCTD yếu kém sẽ có thể được xem xét việc góp vốn vượt giới hạn sở hữu quy định (tại Khoản 6, Điều 7, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam) và xem xét tạo điều kiện cho TCTD nước ngoài mua lại toàn bộ TCTD yếu kém trong nước và chuyển đổi thành TCTD 100% vốn nước ngoài.

Như vậy, với những ưu điểm của biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại đã chứng tỏ trong thời gian qua, cùng với sự thay đổi đáng kể về nhận thức trong tư duy quản trị chiến lược của các TCTD, trong thời gian tới, xu thế M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra sôi động, mạnh mẽ và sẽ tiếp tục phát huy vai trò hữu hiệu trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn mới. Đây là xu thế phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, khó có thể đảo ngược đối với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục