M&A sôi động trải đều ở tất cả các lĩnh vực

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital cho rằng, xu hướng mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới. Đây được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, song trước hết, các doanh nghiệp này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.     
Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital

Theo ông, hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017 sẽ sôi động ở lĩnh vực nào?

Hoạt động M&A từ các nhà đầu tư trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã tương đối ổn định trong năm nay và chúng tôi hy vọng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2017. Dựa vào các cuộc họp với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tôi nhận thấy, xu hướng M&A sẽ tiếp tục sôi động.

Theo tôi, sự sôi động đang trải đều ở tất cả các lĩnh vực, như bất động sản, nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… Tất cả khách hàng nước ngoài mà chúng tôi gặp gỡ đều quan tâm đến những lĩnh vực này.

Xem ra, đó là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường M&A tại Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân, như Mekong Capital?

Hầu hết các công ty nội địa chưa chuẩn bị cho việc M&A, như việc tuân thủ thuế, kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn, việc làm sạch các vấn đề pháp lý, hệ thống phần mềm, nên cũng không dễ dàng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua lại… Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện.

Nhận định của ông về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam trong 2 năm tới?

Tôi cho rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không dễ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ thành lập các công ty tư nhân mới. Vì vậy, tôi kỳ vọng, hoạt động M&A sẽ dần dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang khu vực tư nhân. Thị trường M&A nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, dẫn đầu bởi các công ty như Masan Group, Pan Pacific, GTN.

Có vẻ như chiến lược của Mekong Capital đang thay đổi, khi hiện nay, Quỹ có xu hướng mua lại gần như toàn bộ cổ phần của một công ty, thay vì chỉ mua 10 - 30% như trước đây, thưa ông?

Đúng vậy. Quỹ mới của chúng tôi thường nắm giữ một tỷ lệ sở hữu lớn hơn trong các công ty so với các quỹ trước đây của chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi đẩy nhanh việc thực hiện những thay đổi, giúp tăng trưởng nhanh hơn.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn lý do của sự thay đổi này?

Tỷ lệ sở hữu của chúng tôi lớn hơn cũng có nghĩa là chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thay đổi cần thiết để giúp củng cố sức mạnh cho các công ty mà chúng tôi đầu tư, từ đó giúp họ trở thành những danh nghiệp dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực hoạt động. Ví dụ, chủ trương của chúng tôi là giúp các công ty đầu tư thật nhiều vào phát triển và đào tạo đội ngũ quản lý của họ ngay cả khi điều này làm gia tăng nhiều chi phí trong ngắn hạn.

Cần xỷ lý các yếu tố gì trong thời kỳ hậu M&A để có thể thành công, thưa ông?

Để các thương vụ M&A thành công, đòi hỏi một đội ngũ sau sáp nhập hùng hậu và cần xác định rõ vai trò của họ trong công ty, cũng như những thay đổi mà họ có thể mong đợi. Thông thường, đầu tư nhiều cho việc gắn kết giữa các công ty bị mua lại với văn hóa doanh nghiệp của công ty đi mua cũng nên được chú trọng.

Nguyên nhân khiến các thương vụ M&A thất bại thường do đâu?

Một lý do chung dẫn đến thất bại là sự không rõ ràng trong kế hoạch hậu sáp nhập. Một vấn đề khác có thể do việc truyền thông không hiệu quả của công ty mua, dẫn đến sự hoang mang và giảm động lực cho các nhân viên của bên bị mua lại.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục