Là nhà tư vấn hỗ trợ thành công một số doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam tìm vốn bằng trái phiếu, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của kênh huy động vốn qua trái phiếu của các DN? Thực tế việc tìm được người mua để khớp nối nhu cầu bên bán có khó khăn không, thưa ông?
Nhìn vào bảng tổng hợp về thị trường trái phiếu DN tại các nước châu Á có thể thấy thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất nhỏ. Tuy nhiên, chính sự nhỏ bé này cho thấy thị trường trái phiếu DN Việt Nam còn rất tiềm năng và nhiều cơ hội phát triển. Năm 2015, quy mô thị trường trái phiếu DN Việt Nam khoảng 1,3 tỷ USD, nhưng sang năm 2016, thị trường trái phiếu DN Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc với quy mô dự kiến đạt 2,5 tỷ USD.
Kinh nghiệm triển khai các thương vụ tư vấn phát hành trái phiếu của MBS cho thấy, các DN có nền tảng hoạt động tốt trong các ngành sản xuất, công nghiệp, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm, dịch vụ…, việc tìm kiếm được người mua trái phiếu không mất nhiều thời gian. Việc hoàn tất thương vụ cũng nhanh chóng, dễ dàng.
Đối với các DN bất động sản, thường thì phải là các DN có uy tín hàng đầu trong ngành và có các dự án có tính thanh khoản lớn, việc phát hành trái phiếu và tìm kiếm người mua sẽ diễn ra thuận lợi.
Đối với các DN thuộc nhóm ngành nông sản, thủy sản, lâm sản và một số nhóm ngành khác như thép, vật liệu xây dựng…, việc tìm người mua thực hiện tương đối khó khăn, vì đây là những nhóm ngành người mua trái phiếu (chủ yếu là các ngân hàng) đánh giá là rủi ro cao hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, không gian kinh tế mở sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A xuyên biên giới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam tích cực ký kết các hiệp định kinh tế quốc tế, tạo không gian rộng mở cho hoạt động M&A trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài đã in những dấu ấn rất lớn trên thị trường M&A Việt Nam, thậm chí có thể nói ở nhiều mảng việc, họ đang chi phối thị trường M&A Việt Nam. Chỉ có duy nhất M&A trong lĩnh vực bất động sản thì các DN Việt Nam đang chi phối. Như vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm: “không gian mở sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A xuyên biên giới”.
Trong bối cảnh như vậy, các công ty chứng khoán trong nước phải chuẩn bị gì để đủ sức khai thác cơ hội tư vấn M&A xuyên biên giới, theo ông?
Yếu tố quan trọng nhất để có thể khai thác cơ hội tư vấn cho các thương vụ M&A trên đó là yếu tố nguồn lực con người. Tại MBS, bên cạnh việc tuyển dụng và đào tạo các chuyên gia tư vấn M&A giỏi ngoại ngữ, có kiến thức chuyên sâu, có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức tài chính nước ngoài, chúng tôi rất chú trọng đến sự am hiểu về văn hóa DN, không chỉ là văn hóa của DN Việt Nam, mà còn là văn hóa DN của các nước khác. Đây chính là “chìa khóa vàng” giúp nhà tư vấn kết nối các DN trong và nước ngoài, để thu xếp thành công các nhu cầu M&A của khách hàng.
Tại MBS, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để mở rộng các đầu mua, trong đó MBS giữ vai trò tư vấn đầu bán, các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện tư vấn đầu mua. Tôi tin rằng, việc kết hợp này sẽ dần mang lại hiệu quả trong tư vấn M&A của MBS, đồng thời sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động M&A của DN Việt Nam.