Trở lại với bầu trời
“Bọn em rất mừng khi được hãng thông báo, lịch bay phục vụ hành khách trên các chặng bay quốc tế trong thời gian tới sẽ dày hơn. Với nhân viên hàng không như em, niềm vui lớn nhất là sớm được khoác lên mình bộ đồng phục màu đỏ để trở lại bầu trời”, chị Lan Anh, tiếp viên của Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet cho biết.
Là một trong những tiếp viên thế hệ đầu tiên của Vietjet, có gần 9 năm bay với “đội đỏ”, với Lan Anh, giai đoạn 2020 - 2021 thực sự là quãng thời gian đáng quên khi chưa bao giờ chị phải dừng bay lâu như vậy. Trong cả năm 2021, số chuyến bay mà chị tham gia phục vụ đếm chưa đầy một bàn tay, mà tất cả đều là các chuyến bay nội địa.
Niềm vui của chị Lan Anh cũng như hàng ngàn tiếp viên của Vietjet là có cơ sở khi vào cuối tháng 12/2021, trên cơ sở sự chấp thuận của Chính phủ và nhà chức trách hàng không, Vietjet đã công bố kế hoạch khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế từ ngày 1/1/2022. Vietjet dự kiến khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1/2022.
Trong giai đoạn I dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến/ tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý, nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà Hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực, cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga.
Trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet đã đón nhận tàu bay thân rộng A330 đầu tiên, sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng mạng bay khắp toàn cầu. “Việc đón nhận tàu bay thân rộng hiện đại bậc nhất của Airbus không chỉ giúp Hãng cải tiến đội bay và nâng tầm dịch vụ, mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt của Vietjet về sự bật dậy phục hồi nhanh chóng của thị trường hàng không Việt Nam khi cơn bão Covid-19 dần đi qua”, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet chia sẻ.
Không chỉ Vietjet, mà tất cả các hãng hàng không khác cũng đang hối hả triển khai các kế hoạch mở lại một số đường bay quốc tế và đợt cao điểm vận chuyển Tết Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, với tư cách là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.
Việc nối lại các đường bay sẽ được hãng hàng không quốc gia thực hiện trong 2 giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng. Giai đoạn I dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong khoảng 2 tuần, Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.
Giai đoạn II, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay 2 chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia.
Về tần suất khai thác, trong giai đoạn I, mỗi chặng bay của Vietnam Airlines có khoảng 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hoa Kỳ dự kiến được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của Hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.
Một tin rất vui đối với Vietnam Airlines là đúng vào ngày lễ Noel, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm cho phép mở lại khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu, Australia theo đề xuất của Hãng.
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, với đội bay thân rộng gần 30 chiếc, được thiết kế chủ yếu phục vụ các đường bay tầm dài và tầm trung, việc mở lại các đường bay kết nối châu Âu, Australia sẽ giúp Vietnam Airlines tối ưu được đội bay, giảm chi phí khai thác, củng cố lại vị thế. Đồng thời, việc sớm khôi phục các đường bay thường lệ tới các khu vực này cũng giúp ngăn chặn nguy cơ chiếm lĩnh thị trường của các hãng hàng không quốc tế.
“Hãng đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để phục vụ các thị trường này với tần suất ban đầu khoảng 2 chuyến/tuần/đường bay để đảm bảo sự khai thác ổn định phục vụ nhu cầu đi lại cũng như mục tiêu dần củng cố vị thế của Vietnam Airlines”, ông Hòa nhấn mạnh.
Lạc quan trong gian khó
Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với thị trường hàng không Việt Nam khi chưa kịp định thần sau nhiễu động của đợt bùng phát dịch thứ ba, các hãng bay Việt ngay lập tức phải hứng chịu “cơn cuồng phong” từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Do mất trọn giai đoạn cao điểm hè và quý III/2021, nên doanh thu của các hãng bay giảm hơn 90% so với năm 2020. Khó khăn bậc nhất phải kể đến hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines khi số lượng chuyến bay trong nửa cuối năm 2021 không vượt quá 1.000 chuyến.
Nguy hiểm hơn, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến tâm lý khách hàng bị thay đổi. Biểu hiện rõ nhất là phần lớn chuyến bay trên trục TP.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội vừa được khôi phục trong nửa cuối tháng 10/2021 chỉ đạt 40 - 50% tải cung ứng, thậm chí nhiều chuyến phải hủy bỏ do không có khách.
Không như các hoạt động kinh tế khác, chỉ cần ngừng hoạt động thì chi phí sẽ giảm đáng kể, ngành hàng không có đặc trưng riêng. Theo đó, ngay cả khi chấp nhận dừng hoạt động, các hãng bay cũng chỉ tiết kiệm được chi phí xăng dầu và một phần chi phí nhân công, nhưng chi phí thuê máy bay, chi phí mặt đất không thay đổi. Trong khi đó, hai khoản này chiếm phần lớn chi phí của các hãng hàng không.
“Các doanh nghiệp này cũng không thể trả máy bay đã thuê và sa thải quá nhiều nhân viên, vì họ cần giữ lại phi công, tiếp viên và nhân viên kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ mặt đất cho việc bay trở lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, mức lỗ của hàng không nằm ngoài hình dung của nhiều người, nhất là trong trường hợp hoạt động hàng không bị tê liệt như thời gian qua”, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways, sau hàng loạt tình huống bị động của năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã thích ứng tốt hơn với dịch Covid-19, kể cả ngay trong đợt giãn cách xã hội lần thứ tư. “Tôi có thể khẳng định, hàng không là ngành khó khăn nhất, chịu thiệt hại nặng nhất, nhưng chắc chắn sẽ phục hồi nhanh nhất khi dịch Covid-19 dần qua đi”, ông Quyết khẳng định.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, năm 2021, Bamboo Airways có thể phải ghi nhận khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng, nhưng đã tìm thấy những động lực để phục hồi khi tỷ lệ tiêm vắc-xin của người dân Việt Nam tăng lên rất nhanh, thậm chí có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong những tháng đầu năm 2022 và chủ trương chủ động thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 của Chính phủ.
“Dù còn rất thấp so với cuối năm 2019, nhưng số lượng người dân đi lại bằng đường hàng không đang tăng trưởng ổn định, không chỉ trên các đường bay trục kết nối Hà Nội và TP.HCM, mà còn trên cả các đường bay ngách tới những địa phương như Điện Biên, Cà Mau”, ông Quyết thông tin.
Khó khăn lớn nhất của các hãng hàng không Việt Nam lúc này không phải là thị trường nội địa, mà chính là sức ép cạnh tranh gia tăng khi Việt Nam mở cửa thị trường hàng không quốc tế, các hãng hàng không nhiều nước đang phục hồi sớm với tốc độ nhanh hơn các hãng bay Việt. Đó còn là sự thiếu hụt nhân lực kỹ thuật trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ phi công có kinh nghiệm, sức ép thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính đã được giãn và tái cấu trúc trong thời gian dịch bệnh.
Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), để hỗ trợ các hãng bay, Bộ GTVT cần kịp thời mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế theo kế hoạch mà Bộ đã báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Cùng với đó, nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách; bỏ quy định về cách ly đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không Việt Nam vừa hoàn thành chuyến bay từ nước ngoài về nước.
Chủ tịch VABA cũng kiến nghị đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cho ngành hàng không một cách có trọng điểm theo hướng đồng bộ hóa và nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng ngành hàng không Việt Nam.
“Bộ GTVT cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản một cách bền vững; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không xuống mức tối thiểu trong khung thuế mà Quốc hội đã quy định (1.000 đồng/lít); tiếp tục giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết ngày 31/12/2022”, ông Dũng đề xuất.