Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14
Ngày 14/10, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành Hội nghị lần thứ 14, thảo luận những vấn đề cuối cùng liên quan đến việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo chương trình, Hội nghị diễn ra từ ngày 14-20/12.
Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bàn nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cụ thể, Ban chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến lần cuối, thông qua các dự thảo văn kiện do Trung ương khóa XII chuẩn bị, để trình Đại hội XIII; thảo luận, thông qua quy chế bầu cử, quy chế làm việc của Đại hội XIII và quy định về nội quy sinh hoạt của đại biểu dự Đại hội XIII.
Cùng với đó, Trung ương có thể sẽ thông qua nội dung và chương trình làm việc của Đại hội XIII, quyết định ngày chính thức triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cho ý kiến đối với các báo cáo tổng kết việc thực hiện Quy chế làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật nhiệm kỳ khóa XII; báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Công bố báo cáo Kinh tế thường niên năm 2020 của VCCI
Chiều 14-12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn một năm thực hiện.
Báo cáo trình bày tổng quan nền kinh tế Việt Nam, nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long; năng lực cạnh tranh của vùng dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.
Từ những phân tích trên, báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.
Nghe báo cáo về chủ trương khai thác thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn TP.HCM
Cũng trong ngày 14/12, lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân TP.HCM đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về đề xuất khai thác thí điểm xe đạp công cộng Mobke trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, UBND TP.HCM thống nhất chủ trương triển khai dự án thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn. Thực hiện chủ trương này, Sở Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các sở, ban ngành của Thành phố để xây dựng đề án thí điểm.
Theo nội dung đề xuất thí điểm của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) là nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3). Thời gian thí điểm 12 tháng, kể từ ngày Công ty Trí Nam đưa xe vào hoạt động thí điểm và được miễn tiền thuê đất để bố trí đậu xe; sau đó tổng kết, tính toán đầu tư mở rộng nếu UBND TP.HCM chấp thuận.
Giảm một số khoản phí, lệ phí
Để tiếp tục hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 129/NQ-CP và Nghị quyết số 124/2020/QH14, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, áp dụng từ 1/1/2021 đến 30/6/2021.
Theo dự thảo, nhiều loại phí, lệ phí như phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng; phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy… chỉ bằng 50% mức phí hiện hành.
Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) bằng 70% quy định hiện hành. Còn với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo tương đương 90% quy định hiện hành.
Đáng chú ý, phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán và phí giám sát hoạt động chứng khoán) cũng được giảm bằng 50% mức quy định tại Thông tư số 272/2016/TT-BTC.