Ted Jenkin, đồng CEO và sáng lập viên của hãng tư vấn tài chính oXYGen Financial:
Nghĩ về những điều tồi tệ chẳng bao giờ là thú vị cả. Tuy nhiên, nếu bạn thành công trong việc xây dựng một nền tảng tài sản và/hoặc bạn đang đóng rất nhiều bảo hiểm, bạn nên suy nghĩ đến việc xây dựng một quỹ tín thác cho con bạn trong trường hợp bạn xảy ra bất trắc. Dưới đây là những sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải khi xây dựng loại quỹ đó.
Đầu tiên, cha mẹ thường không nghĩ đến việc họ muốn ai làm người được ủy thác. Điều đó cũng phức tạp như việc lựa chọn người bảo hộ. Cha mẹ nên nghĩ đến việc họ muốn chỉ một người ủy thác thôi hay là nhiều người đồng ủy thác để có sự kiểm tra chéo đối với số tiền. Điều đó cũng quan trọng để đảm bảo rằng bạn sẽ chọn được đúng người quản lý số tiền đó khi bạn không còn.
Thứ hai, cha mẹ nên làm rõ mục tiêu của số tiền ủy thác. Đặc biệt, phần lớn cha mẹ không nghĩ kỹ về việc họ muốn số tiền đó được chuyển cho con mình khi nào và như thế nào. Năm năm một? Hay chuyển một lần ở một tuổi nhất định? Tính toán về lợi tức của số tiền đó như thế nào? Dù thế nào đi nữa cũng phải suy nghĩ thật kỹ về cách thức chuyển giao số tiền.
Cuối cùng, điều quan trọng là kiểm tra lại tất cả các chữ ký của bên được hưởng lợi để đảm bảo số tiền được chuyển đến đúng người cần đến. Thông thường, cha mẹ lập ra quỹ tín thác đó và hy vọng rằng số tiền từ các hợp đồng bảo hiểm của mình sẽ được chuyển vào quỹ cho con. Tuy nhiên, nếu bạn không thay đổi phía bên được hưởng lợi, điều đó sẽ không xảy ra.
Eleanor Blayney, luật sư của Certified Financial Planner Board of Standards:
Một sai lầm lớn cha mẹ thường gặp khi để tiền vào quỹ tín thác cho con, đó là không suy nghĩ đủ thấu đáo về người được ủy thác, và người kế tục người được ủy thác. Cha mẹ cần cân nhắc lợi và hại của việc sử dụng người được ủy thác dạng tổ chức (thường không biết về gia đình hoặc bên được hưởng lợi) so với việc sử dụng một người bạn của gia đình (những người này có thể không muốn lãnh trách nhiệm hoặc có thể không có khả năng quản lý quỹ tín thác đó). Một sai lầm rõ ràng - mặc dù không luôn xảy ra - có thể là việc sử dụng một người anh chị em làm người được ủy thác. Không có gì lại dễ dẫn đến những bi kịch gia đình cổ điển bằng việc nhờ một người anh hay người chị quản lý số tiền ủy thác.
Một sai lầm nữa đó là yêu cầu số tiền được trao cho đứa con ở vào độ tuổi còn trẻ, ví dụ như ở tuổi 30 hay 35. Ý tưởng tốt hơn là hãy lùi độ tuổi thật xa, ví dụ như 50 tuổi, nhưng cho phép người được ủy thác quyết định trao số tiền trong những trường hợp nhất định và trao theo đúng các chỉ dẫn của bên ủy thác. Bằng cách đó, người được ủy thác có thể trao số tiền cho người con vào độ tuổi 30, nhưng không bắt buộc. Trong trường hợp đứa con chưa thuận tiện quản lý số tiền - có thể đứa con đang làm thủ tục ly hôn hoặc chưa thành công trong việc tuân theo kỷ luật - bên được ủy thác sẽ được phép chọn giải pháp an toàn là hoãn thời điểm chuyển giao số tiền.
Sai lầm cuối cùng là thực hiện tất cả các công việc gồm soạn thảo quỹ tín thác và giải thích rõ ràng các điều khoản, nhưng lại không nói với những đứa trẻ về mục đích và dự kiến của quỹ đó. Một cuộc thảo luận sẽ có ích hơn nhiều so với một tài liệu pháp lý khô khốc để giao tiếp với con cái bạn về kỳ vọng của bạn đối với tương lai của chúng.
Charles Rotblut, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư cá nhân Mỹ:
Sai lầm lớn nhất của cha mẹ khi lập quỹ tín thác cho con? Một sai lầm cực kỳ đắt đó là không cân nhắc kỹ lưỡng và cập nhật thường xuyên tất cả các yếu tố gồm bên được hưởng lợi, bên được ủy thác và thông tin về bên sở hữu quỹ tín thác. Mặc dù điều đó thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng hậu quả của việc không đảm bảo chính xác tất cả các yếu tố đó là rất lớn.
Khi lập một quỹ tín thác, cần đầu tư suy nghĩ vào việc quỹ đó nên được thiết kế cho bên được hưởng lợi như thế nào. Nếu quỹ đó dành cho hơn một người (từ hai đứa con trở lên), hãy cân nhắc về việc có một bên được ủy thác thứ ba. Cũng nên chỉ định rằng người ủy thác cũng chính là người được hưởng lợi nếu số tài sản đó sẽ được chia đều cho các bên thừa kế. Nếu bạn chọn phương án đó, hãy đảm bảo rằng bên ủy thác cũng chính là bên được hưởng lợi đối với từng món tài sản (ví dụ như một hợp đồng bảo hiểm).
Ngay cả nếu bạn không có một quỹ tín thác, cũng hãy thường xuyên chủ động kiểm tra các thông tin của bên được hưởng lợi đối với các hợp đồng bảo hiểm của bạn, các hợp đồng môi giới và tài khoản ngân hàng. Những thông tin không chính xác hoặc không còn cập nhật có thể gây hậu quả kéo dài hàng năm hoặc phá hỏng kế hoạch tài chính và tài sản của bạn.