Những quyết định khó khăn

(ĐTCK) Trong một chuyến công tác tại TP. Đà Lạt mờ sương, tôi và một vài đồng nghiệp đã có dịp được nghe anh Dũng Thái (tên thân mật của anh Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, để phân biệt anh với nhiều anh Dũng khác trong cơ quan) tâm sự về những chuyện đời, chuyện nghề và những kỷ niệm không thể nào quên của anh với ngành chứng khoán.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Xây dựng hệ thống công nghệ cho HOSE

Năm 1997, đi theo tiếng gọi của thầy Châu (theo cách anh Dũng gọi ông Lê Văn Châu), anh quyết định rời Ngân hàng Nhà nước sau nhiều năm gắn bó để chuyển sang một đơn vị mới thành lập là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Anh Dũng Thái nhớ lại, năm 1999, khi anh công tác tại Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK đang tập trung vào các công việc chuẩn bị khai trương và vận hành của Trung tâm GDCK TP. HCM. Lúc này, hệ thống văn bản pháp lý về thị trường đã có, Chính phủ đã ký quyết định thành lập hai Trung tâm GDCK tại hai đầu đất nước là TP. HCM và Hà Nội. Trụ sở đã lo xong, nhân sự đã tuyển, các bước đào tạo đã hoàn tất, chỉ còn thiếu hệ thống giao dịch. Áp lực khai trương thì ngày một đến gần…

Ngay trong năm đó, UBCK đã được phê duyệt kinh phí xây dựng Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, trong đó có hệ thống công nghệ (nay được biết đến nhiều với cái tên “Gói thầu 04”). Tuy nhiên, thủ tục mua sắm này không hề đơn giản và cũng không thể hoàn tất trong thời gian gấp gáp như vậy. Đứng trước tình thế đó, UBCK đã tính đến phương án xin hỗ trợ của các sở GDCK có quan hệ. Phương án đầu tiên nhắm tới Sở GDCK Hàn Quốc (KSE) vì sở này hỗ trợ nhiều cho đào tạo nhân sự để xây dựng TTCK. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đã từ chối vì họ muốn bán hệ thống công nghệ cho Việt Nam.

UBCK lại chuyển sang nhờ Sở GDCK Đài Loan. Ngày đó, UBCK chưa tạo lập được mối quan hệ thân thiết với Sở GDCK Đài Loan như bây giờ. Sau hồi lâu cân nhắc, Sở GDCK Đài Loan đồng ý cho UBCK cái bảng điện tử cũ. Song, bài toán hệ thống vẫn chưa giải xong…

Tình cờ trong một lần công tác tại Thái Lan, anh Dũng Thái đã ngỏ ý nhờ Sở GDCK Thái Lan giúp đỡ.

“Không biết có phải nhờ mối quan hệ thân tình mà tôi đã xây dựng được trong hơn 2 năm công tác biệt phái ở Thái hồi còn làm Ngân hàng Nhà nước hay không, mà các bạn Sở GDCK Thái Lan đã hứa xem xét… Mừng quá, tôi về báo cáo phương án mới với lãnh đạo Ủy ban và được lãnh đạo ủng hộ”, anh Dũng chia sẻ.

Sau vài lần tiếp xúc và đàm phán, phía Sở GDCK Thái Lan đã nhận lời hỗ trợ miễn phí hệ thống phần mềm giao dịch. Tất cả cán bộ nhân viên UBCK đều vui sướng như vừa trút được gánh nặng. Tuy nhiên, anh Dũng Thái và các đồng nghiệp cảm thấy vẫn chưa hoàn thành trọng trách vì vẫn còn thiếu… cái máy chủ.

Một lần nữa, anh Dũng Thái lại lặn lội sang Sở GDCK Thái Lan để xin máy chủ. “Tôi đã thuyết phục với các bạn Thái Lan rằng “đã thương thì thương cho trót”. Việc mua máy chủ mới không phải là không có kinh phí, nhưng thủ tục triển khai sẽ không kịp thời gian để khai trương hoạt động. May thay, các bạn Thái sau khi nghe trình bày đã quyết định tặng nốt máy chủ cũ và thế là hệ thống coi như đã lo xong”, anh nhớ lại.

Để chuyển giao công nghệ, các cán bộ kỹ thuật của Sở GDCK Thái Lan đã phải bay sang Trung tâm GDCK TP. HCM. Anh Dũng Thái cùng Chủ tịch UBCK Vũ Bằng (khi đó là Giám đốc Trung tâm GDCK TP. HCM) vào TP. HCM 6 tháng để triển khai công tác này.

“Hồi đó còn khó khăn, lương thấp, hai anh em thường xuyên ăn cơm bình dân ở vỉa hè. Thi thoảng, anh Vũ Bằng cũng khao anh em lẩu cá kèo mỗi khi anh nhận được khoản thù lao viết đề tài khoa học hay giảng dạy chứng khoán”, anh Dũng Thái kể.

Khó khăn là thế, nhưng các cán bộ của UBCK hồi đó rất vui vẻ, phấn khởi và tin tưởng vào tương lai thị trường. Cuối cùng ngày khai trương cũng đến, sau khi thấy hệ thống giao dịch vận hành ổn định, thị trường đã đón nhận với sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Tất cả cán bộ nhân viên UBCK đã vỡ òa vì sung sướng, bõ công những ngày nằm gai nếm mật.

Sau sự kiện đáng nhớ đó, anh Dũng Thái lại trở về với vị trí của mình ở UBCK. Ba năm sau ngày khai trương sàn GDCK TP. HCM, anh lại nhận một quyết định quan trọng khác. Đó là quyết định chuyển công tác và lần này điểm đến của anh là Trung tâm GDCK Hà Nội. Với quyết định này, câu chuyện về những khó khăn của anh lại nối dài. 

Đề nghị phá công trình… vừa xây

Trước khi được điều chuyển về Trung tâm GDCK Hà Nội, anh Dũng Thái giữ cương vị Phó Vụ trưởng phụ trách của Vụ Quan hệ Quốc tế. Hỏi anh vì sao lại quyết định chuyển về Trung tâm GDCK Hà Nội, lúc đó còn chưa định hình và đầy khó khăn phía trước, anh mủm mỉm: “Tất cả cũng tại cái sự điên điên của mình”.

“Những ngày đầu về Trung tâm, cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Trung tâm lúc đó tiếp quản lại ngôi nhà cũ số 5-7 Tràng Tiền và số 2 Phan Chu Trinh, dột nát nhiều chỗ, chuột chạy như chỗ không người, khiến tôi và Dũng Trần (tên thân mật của anh Trần Văn Dũng, khi đó là Giám đốc Trung tâm) trăn trở nhiều. Nhận thấy việc UBCK nhập về Bộ Tài chính (năm 2004) là một cơ hội, chúng tôi đã quyết định báo cáo UBCK để xin Bộ Tài chính cải tạo tầng 1 tòa nhà thành sàn giao dịch đấu giá”, anh Dũng Thái kể.

Việc đó tưởng không dễ, vì tầng 1 của tòa nhà lúc đó vừa mới được Ban Giám đốc cũ cải tạo xong, vôi vữa vẫn còn chưa ráo. Thật không ngờ, cấp trên ủng hộ đề xuất của các anh. Ngay sau đó, sàn giao dịch đấu giá đã được thi công với thiết kế rất đẹp, tạo thành điểm nhấn của toà nhà và trở thành hình ảnh biểu tượng của Trung tâm GDCK Hà Nội. Nơi đây đã gắn liền với nhiều phiên đấu giá sôi động, để lại dấu ấn khó phai về một thời của Trung tâm GDCK Hà Nội về hình ảnh của TTCK Việt Nam giữa lòng Thủ đô. 

Âm thầm phát triển hệ thống công nghệ thông tin HASTC

“Ngoài việc cải tạo cơ sở vật chất, chúng tôi còn phải vượt qua nhiều khó khăn tưởng không thể vượt nổi để xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin cho Trung tâm”, anh kể tiếp.

Ngày đó, Trung tâm sử dụng hệ thống giao dịch tại sàn, mỗi CTCK được cấp tối thiểu một máy trạm đặt ở tầng 1 của trụ sở để nhập lệnh. Tuy nhiên, thời gian này, TTCK bắt đầu sôi động, hồ sơ xin thành lập CTCK tăng rất nhanh. Các anh cũng trăn trở mãi, nếu chỉ để hệ thống nhập lệnh ở tầng 1 sẽ không đủ bắt kịp nhịp phát triển của thị trường. Thế là anh Dũng Trần và anh Dũng Thái bàn nhau xây dựng thêm hệ thống nhập lệnh trên tầng 2 để đón đầu.

Quyết định này lúc đó chưa nhận được sự đồng thuận cao của cấp trên, nhưng các anh vẫn âm thầm triển khai, chỉ mong có thể đáp ứng được nhu cầu nhập lệnh ngày một tăng của các CTCK. Kết quả là khi các CTCK mới được cấp phép không phải chờ đợi để được cấp máy nhập lệnh sau khi đăng ký làm thành viên, hệ thống về cơ bản không bị “nghẽn mạng”.

Cuối năm đó, anh hồi hộp chờ xem Trung tâm GDCK Hà Nội có bị kỷ luật hay không, nhưng bất ngờ là cấp trên lại khen Trung tâm “nhạy bén với tình hình”. Tuy Trung tâm được khen là thế, nhưng cá nhân anh, người trực tiếp triển khai không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua do đã tự ý triển khai một số việc trước khi có thủ tục chính thức. Dẫu vậy, anh vẫn rất vui với quyết định của mình. “Cho đến giờ, tôi vẫn thấy quyết định này là một quyết định sáng suốt và đúng đắn”, anh nói.

Từ thành công ban đầu này, việc xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin rất được chú trọng và đầu tư, góp phần đưa Sở GDCK vươn lên làm chủ về hệ thống công nghệ. 

Giữ lửa cho trái tim

Điều gì đã khiến anh hết lần này đến lần khác xé rào, quyết tâm xông pha để xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội? Tất cả chỉ gói gọn trong một câu trả lời giản dị: “Có lẽ vì anh là người lính, một Đảng viên. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, anh cũng có thể vượt qua để thực hiện bằng được lời hứa trước Đảng”.

Thế hệ của anh luôn mang trong mình nhiệt huyết cống hiến, chính nhờ ngọn lửa đó mà thế hệ những người đi tiên phong như anh đã có đủ sức mạnh để vượt qua tất cả khó khăn, để kiến tạo một ngành mới, phát triển như ngày hôm nay. Đây cũng là điều mà anh muốn nhắn gửi đến các thế hệ trẻ, những người đang tiếp bước xây dựng Sở GDCK Hà Nội, xây dựng TTCK Việt Nam.

Nguyễn Phạm
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục