Những quỹ mở có NAV tăng nhanh hơn chỉ số thị trường

(ĐTCK) Với chiến lược nắm giữ tỷ trọng cao các cổ phiếu blue-chip, các quỹ mở có một tháng 9 thành công, nhưng điều này có thể thay đổi trong tháng 10 khi thị trường rớt mạnh.
Những quỹ mở có NAV tăng nhanh hơn chỉ số thị trường

Tại thời điểm cuối tháng 9, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng giảm trái chiều, cụ thể, VN-Index giảm 6,0% sau 3 tháng tăng liên tiếp, đóng cửa ở mức 598,7 điểm, còn HNX-Index tăng nhẹ 1,8%, đóng cửa ở mức 88,6 điểm. Cùng xu hướng của thị trường, một số quỹ mở có giá trị tài sản ròng (NAV) giảm trong tháng nhưng luỹ kế 9 tháng thì tăng. Danh mục đầu tư của những quỹ mở này đa phần là cổ phiếu blue-chip.

Trong tháng 9, danh mục của Quỹ MBVF của MBCapital tăng 1,6% trong khi VN-Index giảm 6,0% và HNX-Index tăng 1,8%. Tính từ khi thành lập, NAV quỹ MBVF tăng 9,6% so với mức tăng cùng kỳ 3,6% của VN-Index và 11,0% của HNX-Index. Tỷ trọng 5 cổ phiếu lớn bao gồm SBA 8,7%; HOM 5,6%, PGC 4,8%; BIC 4,4%, CHP 1,5%.

Đối với Quỹ Đầu tư năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF), có NAV/CCQ tại ngày 25/9 là 10.763 đồng, mức cao nhất kể từ lúc thành lập cuối tháng 3 đến nay. Tháng 9, Quỹ phân bổ tài sản 11,7% là tiền mặt, 38,0% trái phiếu và 50,3% là cổ phiếu và 5 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục bao gồm HPG 4,19%; PVD 3,91%; VM 3,68%; TCM 2,82% và FPT 2,63%.

Cũng mới thành lập từ cuối tháng 8/2014, NAV/CCQ của Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF) tại thời điểm 30/9 là 10.019 đồng, tăng 0,08% so với kỳ trước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại (17/10), NAV/CCQ của VCBF-TBF là 9.926 đồng, giảm 0,95% so với kỳ trước, tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm theo NAV từ khi thành lập giảm 0,67%. Cùng do Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank quản lý, Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) có NAV/CCQ tại cuối tháng 9 là 11.723 đồng, giảm 0,71% so với kỳ trước. Tại ngày 17/10, NAV/CCQ của VCBF-TBF đạt 11.543 đồng, tỷ suất lợi nhuận trung bình theo NAV từ khi thành lập đạt 15,45%.

Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) có tỷ trọng 5 cổ phiếu lớn nhất chủ yếu là cổ phiếu blue-chip đã chiếm tới 39,9% NAV, bao gồm GAS 10,2%; FPT  8,8%; HPG 7,1%; PVD 7,0%; PVS 6,8%. Giá trị mỗi chứng chỉ quỹ VF1 giảm 3%, thấp hơn mức giảm 5,9% của VN-Index do nhiều cổ phiếu blue-chip suy giảm trên thị trường trong tháng 9. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm thì VF1 vẫn tăng trưởng 20,7%, hơn VN-Index 2%.  Một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của VF1 bị điều chỉnh trong tháng khiến lợi nhuận của quỹ bị ảnh hưởng, chẳng hạn  GAS (-13%) chủ yếu do khối ngoại bán ròng, FPT (-9%), VNM (-5%), và VIC (-13), làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của Quỹ. Vài cổ phiếu đi ngược xu hướng thị trường, cổ phiếu DBC tăng +15%, DIG tăng +12%, SSI tăng +10%. Sự tăng trưởng trong danh mục đầu tư của VF1 còn được góp phần từ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (chiếm 3,5% NAV) đã tăng 8% trong tháng 9. Kết thúc quý III, quỹ VF1 tăng trưởng 8,3%, trong khi VN-Index chỉ tăng trưởng 3,6%. Hầu hết các cổ phiếu trong danh mục đều đóng góp vào tăng trưởng của Quỹ, nổi bật là FPT (+14%), PVD (+25%), PVS (+19%), và DBC (+30%).

Tương tự, NAV trên mỗi đơn vị quỹ của Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) có mức giảm 4,5% do ảnh hưởng điều chỉnh giảm của thị trường, nhất là từ cổ phiếu có tỷ trọng lớn như GAS (-13%), VNM (-5%). Lũy kế từ đầu năm thì NAV/CCQ của VF4 vẫn giữ tăng trưởng cao 23,1%, vượt qua VN-Index 4,5%. Trong danh mục đầu tư của VF4, có tới 18% NAV là cổ phiếu tăng trưởng tốt đi ngược với xu hướng thị trường, bao gồm SSI (+10%), DIG (+12%), DRC (+6%)... Tỷ trọng 5 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của VF4 tính đến cuối tháng 9 gồm có GAS 14,6%; PVD 9,0%; HPG 8,3%; VNM 8,0%; REE 5,0%. Trong đợt điều chỉnh giảm này, VF4 cũng “tranh thủ” gia tăng tỷ trọng ở các ngành tiềm năng như bất động sản, dệt may để đón đầu cơ hội tăng trưởng trong năm 2015.

Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam VFA, với mục tiêu nắm bắt xu hướng tăng trung và dài hạn của thị trường, tại ngày 30/9/2014, có NAV/CCQ đạt 7.665,4 đồng, giảm 2,1% so với tháng trước. Cơ cấu tài sản của Quỹ thay đổi không đáng kể: tỷ trọng cổ phiếu trên sàn HOSE tăng lên 58,3% NAV và còn lại 41,7% thực hiện đầu tư vào các tài sản phi rủi ro như tiền gửi kỳ hạn.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục