50 tỷ đồng: trong tầm tay!
Công ty Quản lý quỹ VinaWealth vừa thông báo phát hành chứng chỉ Quỹ đầu tư Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) lần đầu ra công chúng. Để huy động được 50 tỷ đồng trong vòng 20 ngày, mức tối thiểu có thể thành lập quỹ mở, xem ra không phải là vấn đề lớn đối với VinaWealth.
Thực tế cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình quỹ mở đã thể hiện được tính ưu việt so với quỹ đóng và trở nên quen thuộc hơn với các nhà đầu tư. VEOF là quỹ mở nội địa thứ 11 trên thị trường được cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Đến nay, chưa có quỹ mở nào thất bại đến mức không huy động nổi 50 tỷ đồng.
Cũng như nhiều công ty quản lý quỹ mở khác, trước khi phát hành lần đầu ra công chúng, VinaWealth đã “thăm dò” các nhà đầu tư. Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của VinaWealth chia sẻ, kết quả thăm dò cho thấy, việc huy động 50 tỷ đồng là trong tầm tay.
VinaWealth đã có một quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu. Lần này, VEOF là quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu. Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, đồng thời là thành viên HĐQT VinaWealth, đây là thời điểm thuận lợi để ra mắt quỹ mở đầu tư cổ phiếu.
“Chỉ số VN-Index trong năm 2013 đã tăng 22%, mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo nhận định của chúng tôi, TTCK Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2014 dựa trên các yếu tố vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy nhờ hiệu quả xuất khẩu và dòng vốn FDI, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến TTCK Việt Nam và họ đã tích cực giải ngân trong quý I/2014 vừa qua”, ông Andy nói.
Mục tiêu vượt VN30
“Với tình hình thị trường khả quan trong những tháng đầu năm và triển vọng tích cực trong những tháng còn lại, VEOF có thể giải ngân đến 95% vốn vào cổ phiếu trong năm 2014. Dĩ nhiên, chiến lược sẽ rất linh hoạt; nếu những năm sau đó, thị trường không thuận lợi thì tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu sẽ giảm xuống”, ông Thanh chia sẻ.
VEOF tham chiếu chỉ số VN30 để đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ, nhưng mục tiêu đưa ra là mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn chỉ số tham chiếu này. Năm 2013, VN30 tăng 15,8% và từ đầu năm 2014 đến nay tăng xấp xỉ 20%.
Trước VEOF, có một quỹ mở khác đưa ra mức sinh lời kỳ vọng từ 15 - 20%/năm. Trước đó nữa, các quỹ mở thành lập mới xem đầu tư giá trị là kim chỉ nam, họ chọn vài ba chục cổ phiếu lớn để giải ngân.
Theo ông Thanh, chiến lược của VEOF là kết hợp cả đầu tư giá trị và chiến lược tăng trưởng. Ngoài những cổ phiếu thuộc rổ VN30, VEOF sẽ đầu tư vào những cổ phiếu đang được định giá thấp, có tiềm năng tăng giá mạnh.
Thực tế, trong năm 2013, một số quỹ đầu tư giải ngân chủ yếu vào các cổ phiếu trong rổ VN30, nhưng giá trị tài sản ròng của quỹ tăng cao hơn mức tăng của VN30. Lý do chủ yếu là các quỹ này đã đưa thêm những cổ phiếu tiềm năng khác vào danh mục, chẳng hạn GAS. Cuối năm 2012, GAS có giá 38.600 đồng/CP, đến cuối năm 2013, mức giá tăng lên 66.500 đồng/CP, tức tăng 72%, gấp 4,5 lần mức tăng của VN30. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu GAS tăng gần 35%.
Dự kiến, đợt IPO của VEOF sẽ sớm kết thúc để tiến hành thành lập quỹ.
“Đặc điểm của quỹ mở là có thể tiếp tục nhận tiền góp vốn của nhà đầu tư sau khi kết thúc đợt phát hành lần đầu. Do đó, khi đã đạt mức tối thiểu theo quy định là 50 tỷ đồng, chúng tôi sẽ tiến hành chốt con số để thành lập quỹ, vì nếu kéo dài có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư”, ông Thanh nói.