Những quy định về thuế đáng chú ý trong FTA Việt Nam – EAEU

(ĐTCK) Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) có dân số 182 triệu người tính đến đầu năm 2015, bao gồm 4 thành viên chính thức là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Riêng Kyrgyzstan, hiện đang trong giai đoạn phê chuyển để trở thành thành viên chính thức.
Những quy định về thuế đáng chú ý trong FTA Việt Nam – EAEU

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EAEU bao gồm 15 chương, trong đó các doanh nghiệp cần lưu ý các cam kết về thuế quan.

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (qua loại bỏ thuế quan) của EAEU dành cho Việt Nam có thể chia thành các nhóm.

Thứ nhất, nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm 6.718 dòng thuế, chiếm khoảng 59% biểu thuế.

Thứ hai, nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2025), gồm 2.876 dòng thuế, chiếm khoảng 25% biểu thuế.

Thứ ba là nhóm giảm ngay 25% so với thuế hiện tại sau khi Hiệp định có hiệu lực và sau đó giữ nguyên bao gồm 131 dòng thuế, chiếm khoảng 1% biểu thuế.

Thứ tư là nhóm không cam kết, bao gồm 1.453 dòng thuế, chiếm 13% biểu thuế. Nhóm này được hiểu là EAEU không bị ràng buộc phải loại bỏ hay giảm thuế quan, nhưng có thể đơn phương loại bỏ/giảm thuế nếu muốn.

Trong đó, nhóm áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, gồm 180 dòng thuế, chiếm khoảng 1,58% biểu thuế. Đây là biện pháp nửa giống hạn ngạch thuế quan (có ngưỡng giới hạn về số lượng), nửa giống phòng vệ (có thủ tục tham vấn đánh giá về khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu). Nhóm này áp dụng cho một số sản phẩm trong nhóm dệt may, da giày và đồ gỗ.

Theo đó, đối với mỗi sản phẩm, mỗi năm sẽ áp dụng một ngưỡng mà nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm đó vào EAEU vượt quá ngưỡng quy định cho năm đó thì phía đối tác sẽ ngay lập tức thông báo bằng văn bản cho phía Việt Nam.

Nếu quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, EAEU phải thông báo cho Việt Nam ít nhất 20 ngày kể từ ngày ra quyết định và biện pháp phòng vệ ngưỡng sẽ chỉ có hiệu lực ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng được đưa ra.

Nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, các sản phẩm liên quan sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi trong thời hạn hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng.

Thông thường, quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng có hiệu lực (được áp dụng) trong 6 tháng, nhưng nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng vượt quá 150% mức ngưỡng theo quy định vào ngày bắt đầu áp dụng thì thời gian áp dụng biện pháp này có thể được kéo dài thêm 3 tháng.

Nhóm hạn ngạch thuế quan chỉ bao gồm 2 sản phẩm là gạo và lá thuốc lá chưa chế biến.

Đối với Việt Nam, cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam chia thành 4 nhóm. Một là nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm khoảng 53% biểu thuế.

Những quy định về thuế đáng chú ý trong FTA Việt Nam – EAEU ảnh 1

Hai là nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2026) chiếm khoảng 35% tổng số dòng thuế. Cụ thể, nhóm đến năm 2018 loại bỏ thuế quan hoàn toàn chiếm 1,5% tổng số dòng thuế (chế phẩm từ thịt, cá và rau củ quả; phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế; ngọc trai, đá quý…); nhóm đến năm 2020 loại bỏ thuế quan hoàn toàn chiếm 22,1% tổng số dòng thuế (giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép); nhóm đến năm 2022 loại bỏ thuế quan hoàn toàn chiếm 1% dòng thuế (bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép…); nhóm đến năm 2026 loại bỏ thuế quan hoàn toàn chiếm 10% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc…).

Ba là nhóm không cam kết, chiếm khoảng 11% tổng số dòng thuế trong biểu thuế; và cuối cùng là nhóm cam kết khác, gồm các sản phẩm áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Minh Hằng, Trung tâm WTO/VCCI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục