Khi rủi ro về một cuộc chiến thương mại đa mặt trận gia tăng, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo rằng họ có thể trả đũa và Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ công bố thêm các mức thuế quan công bằng vào thứ Ba (11/2) hoặc thứ Tư (12/2) để phù hợp với mức thuế của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Theo dữ liệu của chính phủ và Viện Sắt và Thép Mỹ, các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là Brazil, Canada và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, Canada chiếm 79% lượng nhôm nhập khẩu chính của Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên kể từ năm 2017, Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Nhưng sau đó, ông đã miễn trừ cho một số đối tác thương mại bao gồm Úc, Brazil, Canada và Mexico, và sau đó cựu Tổng thống Joe Biden đã đàm phán các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế với Anh, Nhật Bản và EU.
Một báo cáo sau đó từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) cho thấy, trong 5 tháng đầu tiên của chính sách này được công bố, chính quyền ông Trump đã thu được hơn 1,4 tỷ USD doanh thu.
Với việc Tổng thống Trump cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các yêu cầu miễn trừ và đàm phán, một số người trong chính phủ và ngành công nghiệp cho biết, hành động của ông trước hết sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ bằng cách làm tăng chi phí nguyên liệu thô mà nền kinh tế phụ thuộc vào.
"Thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp chính tại Mỹ từ quốc phòng, đóng tàu và ô tô", Bộ trưởng Đổi mới sáng tạo Canada, Francois-Philippe Champagne cho biết.
"Thép và nhôm của Úc đang tạo ra hàng nghìn việc làm có mức lương tốt cho người Mỹ và đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc phòng chung của chúng ta", Bộ trưởng Thương mại Úc, Don Farrell cho biết.
Trong khi đó, tờ Folha de S.Paulo đưa tin hôm 10/2 rằng, Chính phủ Brazil đang có kế hoạch áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ.
Tại Hàn Quốc, Bộ Công nghiệp vừa triệu tập các nhà sản xuất thép để thảo luận về cách giảm thiểu tác động của thuế quan. Trong phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu Hyundai Steel giảm tới 2,9% trong bối cảnh cổ phiếu các nhà sản xuất thép khác của Hàn Quốc cũng sụt giảm.
Các nhà sản xuất thép châu Âu chiếm khoảng 15% lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ và cổ phiếu của ArcelorMittal và Voestalpine giảm từ 1,3% đến 2,5% trong phiên giao dịch ngày 10/2.
Ủy ban châu Âu cho biết họ không thấy lý do chính đáng nào để áp thuế đối với hàng xuất khẩu của EU, đồng thời cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ phản ứng để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng châu Âu".
Công suất sử dụng của nhà máy thép Mỹ đã tăng vọt lên mức trên 80% vào năm 2019 sau đợt áp thuế ban đầu của Tổng thống Trump, nhưng kể từ đó đã giảm xuống do sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc (không bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ thuế quan khỏi thị trường Mỹ) đã đẩy giá thép xuống.
Dữ liệu chính thức cho thấy lượng thép nhập khẩu của Mỹ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, giảm 35% từ năm 2014 đến năm 2024, mặc dù đã tăng 2,5% lên 26,2 triệu tấn vào năm ngoái. Nhiều người cho rằng điều này là do thuế quan được áp dụng dưới thời chính quyền đầu tiên của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ đã tăng 14% trong thập kỷ qua, với lượng xuất khẩu kim loại này của Mỹ tăng dần kể từ năm 2020.
James Campbell, nhà phân tích tại công ty tư vấn định giá hàng hóa CRU dự kiến các mức thuế quan tiềm năng sẽ có những tác động khác nhau đến Mỹ theo thời gian.
"Lúc đầu, điều này có thể gây tổn hại đến nhu cầu…Về lâu dài, chúng ta có thể thấy đầu tư sẽ tăng lên", ông cho biết.
Kể từ đợt áp thuế đầu tiên của Tổng thống Trump vào năm 2018, Mỹ đã chứng kiến đầu tư tăng lên trong cả lĩnh vực thép và nhôm.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh hưởng
Sản lượng thép các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 |
Canada và Mexico nằm trong số những nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất sang Mỹ, do đó có khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế quan nếu chúng có hiệu lực, ngay cả sau khi được miễn thuế tạm thời đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của họ vào Mỹ.
Đức cũng là nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ và có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế quan.
Tuy nhiên, Thyssenkrupp - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu - dự kiến tác động đến hoạt động kinh doanh là rất hạn chế nếu Mỹ áp dụng thêm thuế đối với thép và nhôm.
Thyssenkrupp cho biết, châu Âu vẫn là thị trường chính của họ đối với thép với chỉ các sản phẩm ngách chất lượng cao được xuất khẩu sang Mỹ, đó là nơi họ duy trì "vị thế thị trường tốt".
Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới nếu Tổng thống Trump thực hiện chính sách này.
Theo phân tích của CNBC về dữ liệu thương mại của Mỹ, lượng nhập khẩu thép từ Việt Nam đã tăng hơn 140% so với năm trước. Đài Loan (Trung Quốc) cũng xuất khẩu thêm 75% thép sang Mỹ vào năm 2024 so với năm trước.