Những “ông lớn” sẽ làm mới diện mạo sàn niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020 đã được hơn nửa chặng đường, cũng là thời điểm thời hạn trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ đã cận kề. 
Những “ông lớn” sẽ làm mới diện mạo sàn niêm yết

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp UPCoM cũng đang “nóng lòng” muốn niêm yết cổ phiếu trong năm nay. 

Những “ông lớn” đến hạn cổ phần hoá

Năm 2020 là năm quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô TTCK phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam năm 2020 phải đạt mốc 100% GDP.

Trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ năm nay xuất hiện hàng loạt tên tuổi doanh nghiệp lớn.

Cụ thể, trong năm 2020, có 93 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình, trong đó có rất nhiều cái tên tiềm lực mạnh cũng như quy mô vốn hoá rất lớn được thị trường chờ chờ đợi.

Song đã hơn nửa năm trôi qua vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong danh sách trên được chuyển đổi sở hữu.

Với tiến độ ì ạch, một số chuyên gia nhận định, nhiệm vụ hoàn tất cổ phần hoá tất cả 93 doanh nghiệp trong danh sách là “bất khả thi”, nhưng không phải là không có những cái tên triển vọng.

Là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, lộ trình cổ phần hoá của Agribank thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Nửa đầu năm nay, khoảng trống nhân sự vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cùng cơ cấu lãnh đạo cấp cao, đã được kiện toàn.

Cộng với sự chuẩn bị trong năm 2019, kế hoạch cổ phần hóa tại nhà băng này đã tiến gần hơn tới hiện thực.

Hiện tại, theo lộ trình, đến hết năm 2020, Agibank sẽ tiến hành cổ phần hóa và 35% cổ phần được chào bán cho nhà đầu tư. Năm 2019, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng.

Được kỳ vọng không kém là hai ông trùm ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

VNPT được đánh giá là TOP 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam (Brand Finance), từng được định giá 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Năm 2019, tổng doanh thu của VNPT đạt 167.983 tỷ đồng.  Năm 2020, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 171.300 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu hợp nhất Công ty mẹ - VNPT đạt 45.018 tỷ đồng (giảm nhẹ so với năm 2019). Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - VNPT mục tiêu đạt 5.040 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 5,2% so với năm 2019. Tổng vốn đầu tư dự kiến ở mức 11.000 tỷ đồng.

Trước đó, VNPT từng dự kiến sẽ IPO vào cuối năm 2019 với 35% cổ phần sẽ được chào bán cho nhà đầu tư, thế nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại và VNPT vẫn chưa công bố thời gian IPO cụ thể. 

Trong khi đó, MobiFone, đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 30% thị phần trên thị trường. Theo lộ trình ban đầu, Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018.

Tuy nhiên do còn vướng mắc trong việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, cộng với sai phạm trong việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG nên thời gian IPO của Mobifone đã phải tạm hoãn.

Năm 2019, MobiFone ước tính doanh thu đạt 35.321 tỷ đồng, lãi 4.842 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ban lãnh đạo MobiFone cho hay năm nay sẽ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 34.483 tỷ đồng, lãi ròng đạt mức 5.092 tỷ đồng. Cổ phần hoá MobiFone là một trong những thương vụ được mong chờ nhất trong vài năm trở lại đây.

Ngoài ra, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… là những cái tên quy mô lớn đáng chú ý khác.

Tại TP.HCM, số doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần cũng có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...

Cổ phiếu UPCoM xếp hàng chờ lên sàn

Với quy định gắn cổ phần hóa với việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, sàn UPCoM hiện là nơi hội tụ của rất nhiều “ông lớn” có gốc gác là doanh nghiệp nhà nước.

Và hàng loạt “ông lớn” trên UPCoM đã rục rịch kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX với kỳ vọng giúp cổ phiếu có tính thanh khoản tốt hơn và cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.

Sau năm 2019 không thực hiện kịp việc niêm yết do chưa đáp ứng đầy đủ quy định của HOSE về ngoại trừ trọng yếu trên BCTC năm 2018 - 2019 liên quan đến hàng tồn kho và các khoản phải thu, năm nay, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) đặt kế hoạch có thể niêm yết vào quý IV/2020 và nhiều khả năng sẽ lên sàn HNX. VEA là đơn vị đang có khoản đầu tư đem lại dòng cổ tức lớn từ Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam…

Một doanh nghiệp quy mô lớn trên UPCoM khác cũng dự định lên sàn trong năm nay là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC). MIC lên kế hoạch đưa cổ phiếu MIG niêm yết trên HOSE và cho biết, điều này sẽ giúp cổ đông dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu đang nắm giữ, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Danh sách những tên tuổi UPCoM đang chờ lên sàn còn có CTCP Thuận Đức (TDP), một doanh nghiệp ngành nhựa. TDP dự kiến đưa cổ phiếu giao dịch trên HOSE với vốn điều lệ gần 480 tỷ đồng.

Trong vài năm trở lại đây, TDP luôn duy trì được đà tăng trưởng trong kinh doanh cũng như tỷ lệ cổ tức ở mức cao 12%/năm.

Năm 2019, TDP ghi nhận doanh thu gần 1.197 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 72% so năm trước. Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh của TDP, doanh thu hợp nhất năm 2020, 2021 công ty dự kiến thu về lần lượt là 1.450 tỷ đồng và 1.603 tỷ đồng.

Ngoài ra, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVM) cũng dự kiến sẽ đổ bộ HOSE từ nay cho đến cuối năm.

Trên sàn HNX, hiện có 3 doanh nghiệp đăng ký chuyển từ sàn UPCoM sang là CTCP Du lịch Vietourist (VTD), Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (MVB) và CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Ở khối tài chính, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VBB) là những nhà băng đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM đã thông qua kế hoạch chuyển sàn tại ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Sóng chuyển sàn tại các ngân hàng thương mại được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực với diễn biến thanh khoản cũng như thị giá từng cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng thời qua là nhóm cổ phiếu được săn đón, nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn giao dịch trên sàn đại chúng UPCoM.

Chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Chỉ còn hơn 5 tháng, năm 2020 sẽ kết thúc, cũng là thời điểm hết hạn cổ phần hoá. Với việc sàn niêm yết dự kiến sẽ có thêm các doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu vào giao dịch và thêm nhiều đợt IPO của doanh nghiệp tiềm lực mạnh, thị trường nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ sôi động hơn, tạo được tâm lý mới mẻ hơn cho nhà đầu tư.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục