Cụ thể, về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định: Là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khôi phục lại các khái niệm về nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài do quy định của dự thảo Luật lần này không quy định rõ cơ chế áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ nguyên khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài như đề xuất của Ban soạn thảo và Quốc hội đã thông qua.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), có ý kiến đề nghị không quy định cấm mua bán người và bộ phận cơ thể người tại Luật này vì đã được quy định tại Luật phòng chống mua bán người.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo báo cáo số 767/BC-UBTVQH13 ngày 4/11/2014, trên cơ sở kết quả rà soát số lượng ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật. Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng được tổng hợp trong Luật đầu tư để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân. Do vậy, giữ nguyên quy định về cấm mua bán người và bộ phận cơ thể người tại Luật này.
Về ý kiến đề nghị bổ sung về nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ. Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình: theo quy định của Luật năng lượng nguyên tử, một số cơ quan, tổ chức vẫn được xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ (trong đó có chất phóng xạ) sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do vậy, nội dung này xin tiếp thu, bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (số thứ tự 214 trong Phụ lục 4).
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng, vũ trang, thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự, công an, quân trang, phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an, quân dụng cho lực lượng vũ trang, linh kiện, bộ phận, phụ tùng vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng để chế tạo chúng. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh vũ khí quân dụng và các phương tiện quân sự... vẫn được một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện trên cơ sở Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch, do vậy, lĩnh vực này đã được quy định trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (số thứ tự 267 trong Phụ lục 4).
Về nội dung đề nghị bổ sung Amiang trắng (Chrysotil thuộc nhóm Serpentine) vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do nội dung này mới được đề xuất nên cần phải có nghiên cứu, đánh giá thận trọng, chính xác. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu và sớm có kết luận chính thức đồng thời xây dựng Đề án một cách toàn diện xử lý Amiang trắng. Trước mắt, xin tiếp thu, bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (số thứ tự 126 trong Phụ lục 4). Sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả nghiên cứu và có Đề án xử lý cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định bổ sung ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 7), có ý kiến đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề quy định tại Phụ lục 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và giải trình như sau: Điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong Luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng như tại Điều 7 của dự thảo Luật. Để tăng cường tính công khai minh bạch của các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự quyết định hoạt động của mình, dự thảo Luật đã quy định rõ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 kèm theo.
Ngoài ra, các khoản 4, 5 và 6 của Điều 7 dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Các nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.