Luật Đầu tư sửa đổi: “nóng” chuyện phạm vi điều chỉnh

(ĐTCK) Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và danh mục ngành nghề, lĩnh vực hạn chế đầu tư tiếp tục là những chủ đề nóng được các chuyên gia luật đặc biệt quan tâm thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa diễn ra tại TP. HCM cuối tuần qua.
Luật Đầu tư sửa đổi: “nóng” chuyện phạm vi điều chỉnh

Theo luật sư Trần Thanh Tùng, đại diện Công ty Luật Phước và Cộng sự, đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi bao gồm 3 nhóm hoạt động đầu tư (đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư trong lãnh thổ Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài) là rất rộng.

Hai nhóm đầu tiên sẽ chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam, nhưng nhóm thứ 3 là đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài lại phụ thuộc nhiều hơn vào pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam có thể chỉ điều chỉnh một số vấn đề về ngoại hối và tài chính phát sinh từ việc đầu tư ra nước ngoài.

‘Do đó, nếu muốn quản lý dòng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan hoàn toàn có thể điều tiết được hoạt động này thông qua các văn bản dưới luật’, luật sư Tùng đề xuất.

Cũng theo ông Tùng, Luật Đầu tư không nên điều chỉnh hoạt động đầu tư gián tiếp như góp vốn, mua cổ phần đối với các công ty niêm yết, vì các quy định này mang tính đặc thù, nên để Luật Chứng khoán điều chỉnh. Từ đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư (sửa đổi) được ông Tùng đề nghị sửa đổi chỉ quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam; điều kiện và thủ tục đầu tư; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chính sách ưu đãi và bảo đảm đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Liên quan đến vấn đề ngành nghề, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, đứng ở góc độ pháp lý cụ thể, các chuyên gia luật cũng bày tỏ băn khăn khi Dự thảo Luật đi theo xu hướng thay thế khái niệm “lĩnh vực đầu tư có điều kiện” bằng “ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và kết hợp “ngành nghề đầu tư” và “ngành nghề kinh doanh”.

Theo phân tích của các chuyên gia, một lĩnh vực kinh doanh, đầu tư trong Luật Đầu tư có thể bao gồm rất nhiều ngành nghề kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Vậy một ngành nghề kinh doanh cụ thể trong Luật Doanh nghiệp có nằm trong một lĩnh vực đầu tư trong Luật Đầu tư? Câu hỏi này rất khó trả lời vì hệ thống ngành nghề đăng ký kinh doanh theo Quyết định 10/2007/QĐ-Ttg và Quyết định 337 không xếp các ngành nghề kinh doanh thành lĩnh vực như Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, theo đại diện Công ty Luật Bizlaw, việc kết hợp “ngành nghề đầu tư” và “ngành nghề kinh doanh” cũng cần phải gắn với việc có quy định làm rõ từng ngành nghề đầu tư, kinh doanh gắn cụ thể với điều kiện kinh doanh. Đồng tình với cách tiếp cận này, đại diện Công ty Luật Phước và Cộng sự cho rằng, hoạt động đầu tư là sự triển khai của ngành nghề kinh doanh.

“Về logic, khi một ngành nghề kinh doanh là có điều kiện thì hoạt động đầu tư cụ thể cũng là có điều kiện, tùy thuộc vào điều kiện mà luật quy định đối với ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Còn những điều kiện kỹ thuật cho từng dự án đầu tư, sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành.

Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản thì phải đáp ứng điều kiện vốn pháp định 6 tỷ đồng của Luật Đầu tư, song để thực hiện dự án còn phải tuân thủ các quy định và điều kiện kỹ thuật của Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng”, đại diện Công ty Luật Phước và Cộng sự phân tích

Tuy nhiên, các chuyên gia luật cũng đặc biệt lưu ý rằng, không nên vì thế mà quá lạm dụng luật chuyên ngành, mà chỉ nên áp dụng đối với những ngành nghề kinh doanh đặc thù. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo là Chính phủ sẽ tập hợp và công bố danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.       

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục