Những nhóm ngành đáng quan tâm năm 2017

(ĐTCK) Với chứng khoán, dù xu hướng thị trường tăng hay không đều có cơ hội kiếm lời nếu có phương án đầu tư đúng. Trong năm 2017, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho rằng, ngành hàng tiêu dùng và vận tải sẽ là 2 ngành đáng chú ý bởi sự tham gia của nhiều “tân binh” nổi trội. 

So với các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, vàng, bất động sản…, theo ông chứng khoán có phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017?

Chứng khoán sẽ luôn là kênh đầu tư hấp dẫn do khả năng sinh lời cao hơn hẳn so với các kênh đầu tư còn lại. Tuy vậy, cần thấy rằng, đầu tư chứng khoán đòi hòi nhiều chi phí, trong đó phần nhiều là chi phí vô hình như thời gian, công sức, kể cả những căng thẳng tâm lý mà kết quả đôi khi không như kỳ vọng.

Chỉ số VN-Index trong năm 2016 đã tăng 16%, nhưng trong 8 quỹ mở mà chúng tôi theo dõi, tuy có kết quả khả quan hơn năm cũ, nhưng vẫn có tới 5 quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng thấp hơn 15%. Điều đó có nghĩa ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc “chiến thắng” thị trường vẫn là một thử thách không dễ dàng.

Do đó, nhà đầu tư cần suy suy nghĩ kỹ để có chiến lược phân bổ tài sản hợp lý dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro và nhu cầu dòng tiền trong tương lai.

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Mua ngoại tệ với kỳ vọng sinh lời 2-3%/năm và gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất 6-7%/năm là 2 kênh đầu tư an toàn nhất nhưng cũng có tỷ lệ sinh lời thấp nhất. Vàng nên coi là kênh đầu tư cất giữ dài hạn, còn nếu mua bán vàng để lướt sóng thì khả năng sinh lời của vàng chưa chắc đã hơn so với chứng khoán nếu xét trên cùng một đơn vị rủi ro. Tính từ đầu năm tới nay, mức sinh lời của vàng chỉ là 6,5%.

Bên cạnh đó, bất động sản là loại tài sản khác biệt do đặc tính thanh khoản và đặc điểm từng phân khúc. Một điều cần lưu ý về bất động sản năm 2017 là nguồn cung và lãi suất sẽ kìm hãm thị trường này nhiều hơn so với năm 2016.

Với chứng khoán, dù xu hướng thị trường tăng hay không đều có cơ hội kiếm lời nếu có phương án đầu tư đúng. Tôi muốn nhấn mạnh đến phương pháp đầu tư giá trị, dựa trên tìm hiểu cặn kẽ về năng lực kinh doanh, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và tiếp đó là một mức định giá tương đối rẻ. 

Theo ông, xu thế bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài liệu có tiếp diễn? Ông có dự cảm nào về động thái của khối ngoại trong năm 2017?

Dự cảm và dự đoán của tôi đều đi đến 1 điểm, đó là nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn giao dịch tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 2016 (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như VIC).

Nhóm nhà đầu tư chủ động hay nhóm chuyên săn tìm cơ hội tại các thị trường mới nổi sẽ vẫn ở lại hoặc tìm tới Việt nam. Mục đích của họ là tìm kiếm khả năng sinh lời cao ở một đất nước còn nhiều tiềm năng. Nếu có gì khiến họ còn băn khoăn thì đó có thể là định giá và tỷ giá.

Với nhóm đầu tư thụ động hoặc có chiến lược phân bổ tài sản toàn cầu, họ sẽ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, do rủi ro lãi suất. Mối lo nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hiện tại tập trung chủ yếu ở 2 quỹ ETF lớn với tổng giá trị tài sản hơn 500 triệu USD.

Các nhà đầu tư ở 2 quỹ ETF này đã rút 160 triệu USD trong năm 2016 mà nguyên nhân chính là do lãi suất tăng tại Mỹ. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất với tần suất nhanh hơn nên các quỹ ETF sẽ còn tiếp tục bị rút vốn.

Việc cân bằng 2 luồng vốn vào và ra phụ thuộc vào nhiều biến số trong lẫn ngoài Việt Nam. Trong giới hạn quốc gia, tôi cho rằng, việc đẩy nhanh IPO, niêm yết hoặc thoái vốn Nhà nước sẽ tạo lực hút rất tốt cho luồng tiền lớn từ nước ngoài. Ví dụ trường hợp bán cổ phần Vinamilk đã thu được 500 triệu USD, gấp nhiều lần số vốn 2 quỹ ETF đã rút khỏi Việt Nam. Có điều luồng tiền đó sẽ không có hiệu ứng lan tỏa cao trên sàn chứng khoán như luồng tiền qua ETF.

Theo ông, nhóm ngành nào nên quan tâm trên thị trường năm 2017?

Theo tổng hợp của chúng tôi, các ngành dược, điện và hậu cần có mức tăng trưởng khả quan và tương đối chắc chắn. Ngành có tỷ trọng lợi nhuận lớn nhất là ngành ngân hàng dự báo có thể tăng trưởng khoảng 10-15%, nhưng chất lượng tăng trưởng là một vấn đề vì rủi ro nợ xấu.

Ngành hàng tiêu dùng và vận tải sẽ là 2 ngành đáng chú ý trong năm 2017 bởi sự tham gia của nhiều “tân binh” nổi trội.

Ngành hàng tiêu dùng có Habeco (BHN), Sabeco (SAB), Đường Quảng Ngãi (QNS). Ngành vận tải có Vietnam Airline và Vietjet Air.

Đây là những doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn tỷ trọng và tính đại diện của ngành hàng tiêu dùng và vận tải trên sàn chứng khoán. Theo đó, ngành hàng tiêu dùng sẽ vươn lên thành ngành có tỷ trọng lợi nhuận lớn thứ 2 chỉ sau ngành ngân hàng. Thị trường tiêu dùng nội địa và du lịch ít chịu ảnh hưởng từ những biến động trên thế giới nên tăng trưởng của 2 ngành trên sẽ ổn định.

Ngành bất động sản có nhiều đại diện trên sàn nhưng tăng trưởng của từng doanh nghiệp lại rất khác nhau. Trên cơ sở dự báo thị trường bất động sản đã qua đỉnh, chúng tôi có cái nhìn thận trọng và chọn lọc với ngành này. Bên cạnh đó, một ngành rất nóng năm 2016 là vật liệu xây dựng sẽ khó duy trì được tăng trưởng cao trong năm 2017, do giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng còn thị trường bất động sản lại đang chững lại.

Một cách tổng thể, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn, nhất là nhóm vốn hóa lớn sẽ có tăng trưởng cao hơn trong năm 2017 nhờ đóng góp của các “tân binh”. Cơ hội đầu tư hiện hữu ở mọi nhóm cổ phiếu, từ bigcap, midcap đến smallcap nhưng câu chuyện của bigcap sẽ thu hút được sự chú ý hơn bởi làn sóng lên niêm yết của các doanh nghiệp lớn.

Ngọc Nhi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục