Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie

Các cổ đông của hai ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac đã mất hàng trăm tỷ USD. Người đóng thuế ở Mỹ đang dự tính cũng thiệt hại từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ USD. Những gương mặt trong vụ địa chấn tài chính này là ai, họ được hay mất?
Những gương mặt tham gia vụ địa chấn tài chính Fannie và Freddie. Những gương mặt tham gia vụ địa chấn tài chính Fannie và Freddie.

Để tỏ rõ việc đổ tiền và đoạt quyền kiểm soát không phải để cứu các lãnh đạo hai ngân hàng Fannie và Freddie, Chính phủ Mỹ lập tức sa thải ban lãnh đạo hiện tại và cầu viện đến những chuyên gia giải cứu hàng đầu.

 

Thế hệ lãnh đạo hiện tại: đã giàu to

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 1
Daniel Mudd (ảnh: NYT)

Theo thông tin của công ty tư vấn Equilar, hợp đồng làm việc của Tổng giám đốc Daniel Mudd  tại Fannie Mae quy định rõ: khi bị nghỉ việc trước hạn, ông phải nhận được 9,3 triệu USD. Trước đó, trong thời gian lãnh đạo ngân hàng này từ năm 2004 đến nay, ông đã được hưởng 12,4 triệu USD từ lương, thưởng, và chênh lệch giá từ quyền mua cổ phiếu.

 

Tổng giám đốc Richard Syron của Freddie Mac còn hơn thế. Theo hợp đồng làm việc và một phụ lục hợp đồng mới bổ sung tháng 7 vừa qua, ông sẽ được trả 14,1 triệu USD khi ra đi trước hạn. Cũng trong thời gian làm Tổng giám đốc từ năm 2003 đến nay, ông đã nhận được 17,1 triệu USD từ lương và quyền mua cổ phiếu.

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 2
Richard Syron (ảnh: BusinessWeek)

Đó là chưa tính đến hàng triệu USD nữa họ có thể kiếm nhờ những quyền mua cổ phiếu mà họ chưa sử dụng. Tuy nhiên với giá cổ phiếu hiện nay, những quyền này đã trở nên vô giá trị.

 

“Thật hết sức đáng phẫn nộ,” Richard C. Ferlauto, Giám đốc của một quỹ đầu tư nói. “Thật là một cái tát vào mặt các cổ đông, những người chủ bất động sản đang phải chịu rủi ro, và những người đóng thuế đang phải chi tiền để cứu ngân hàng.”

 

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu hai vị Tổng giám đốc này sẽ nhận được đầy đủ khoản đền bù theo hợp đồng. Cơ quan Tài chính Địa ốc Liên bang (FHFA) chưa trả lời về chi tiết này. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết mức lương và thưởng của hai vị Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm sẽ “thấp hơn nhiều” so với hai vị vừa ra đi.

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 3
Franklin Raines (ảnh: cbsnews)

Thế hệ trước đó: còn kiếm được nhiều hơn

 

Không chỉ các lãnh đạo vừa qua, mà thế hệ lãnh đạo trước đó của Fannie Mae và Freddie Mac còn kiếm tiền giỏi hơn từ vị trí của mình.

 

Franklin Raines, Tổng giám đốc của Fannie từ năm 1999 đến 2004 đã nhận được hơn 52 triệu USD trong giai đoạn này, cũng theo nguồn số liệu của Equilar.

 

Khi rời Fannie, vị Tổng giám đốc này còn được mang theo ít nhất 25 triệu USD dưới hình thức lương hưu.

 

Đó là chưa tính đến nhiều triệu USD giá trị của quyền chọn mua cổ phiếu. Ông Raines sau đó đã đồng ý không nhận số quyền chọn này, trong một dàn xếp để bỏ qua việc bị tố cáo đã thổi phồng lợi nhuận thêm 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2004 nhằm tăng tiền thưởng cho lãnh đạo.

 

Tuy nhiên, rời vị trí chưa phải đã được yên. Tháng 12/2006 ông đối mặt vụ kiện dân sự vì đã dùng thủ thuật kế toán để nâng khống lợi nhuận của ngân hàng trong suốt 6 năm lãnh đạo. Đến tháng 4/2008, Cơ quan Giám sát Địa ốc Liên bang đồng ý cho Raines nộp 24,7 triệu USD để dàn xếp khép lại vụ kiện.

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 4
Leland Brendsel (ảnh: NYT)
 

Theo số liệu mới công bố của cơ quan này, lương và thưởng của Raines trong 6 năm lãnh đạo lên tới 91,1 triệu USD, bao gồm khoảng 52,6 triệu USD tiền thưởng.

 

Về phần ngân hàng Freddie, vị Tổng giám đốc giai đoạn từ 1993 đến 2003, Leland Brendsel, đã bỏ túi hơn 28,4 triệu USD lương và thưởng. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là phần được công bố trong giai đoạn ông làm lãnh đạo.

 

Ông rời ngân hàng Freddie sau vụ bê bối thổi phồng lợi nhuận ngân hàng này thêm 4,5 tỷ USD. Kết quả của vụ bê bối này là cá nhân ông phải nộp phạt 13 triệu USD, theo quyết định của Cơ quan Giám sát Địa ốc Liên bang, nhưng nhờ nộp phạt nên được miễn xử lý hành chính.

 

Thế hệ kế tiếp là ai?

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 5
Herb Allison  (ảnh VNN)

Chính phủ Mỹ đã phải viện đến hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chiến lược tài chính và xử lý khủng hoảng.

 

Người được tin tưởng trao quản lý ngân hàng Fannie Mae là một nhân vật không xa lạ với Việt Nam . Ông Herb Allison đã từng là Chủ tịch đầu tiên của Quỹ học bổng Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF), và năm 2004 đã từng giao lưu trực tuyến trên báo VietNamNet với học sinh sinh viên Việt Nam.

 

Ông cũng là Giám đốc Liên minh Giáo dục thường xuyên, một sáng kiến hợp tác của ba trường Đại học Yale, Stanford và Oxford .

 

Đây là một nhân vật được đánh giá dày dạn kinh nghiệm trong việc giải quyết khủng hoảng. Ông đã có 30 năm là việc trong tập đoàn tài chính khổng lồ Merrill Lynch và đã là Chủ tịch của tập đoàn này. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Tài chính trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Thượng nghị sĩ John McCain vào năm 2000. Từ năm 2000 đến tháng 4/2008, ông là Chủ tịch và Tổng giám đốc của TIAA-Cref, một quỹ đầu tư quản lý lương hưu của 3,4 triệu giáo viên nước Mỹ, quản lý số vốn hơn 435 tỷ USD. Sau khi rời TIAA-Cref, ông tham gia Hội đồng quản trị của Time Warner, tập đoàn truyền thông và giải trí lớn nhất thế giới.

 

Những nhân vật lừng danh trong vụ khủng hoảng Fannie và Freddie ảnh 6
David Moffett (ảnh: tamebay)

Ông Herb Allison cũng được biết đến như một “bàn tay sắt”. Trong cơn biến động tài chính năm 1998, ông đã tiến hành chiến dịch cho nghỉ việc lớn nhất của Merrill Lynch. Ngay khi nhận chức tại TIAA-Cref, ông cũng lập tức sa thải 500 nhân viên. Cựu chiến binh Herb Allison đã từng là lính hải quân ở Việt Nam 4 năm trong thời kỳ chiến tranh.

 

Nhân vật được mời đến tiếp quản Freddie Mac cũng lừng lẫy không kém. Ông David Moffett đang là cố vấn cao cấp của tập đoàn đầu tư Carlyle Group với số vốn 89,3 tỷ USD và hơn 415 ngàn nhân viên làm việc tại 21 nước.

 

Từ năm 1993 đến 2007, ông là Giám đốc Tài chính và Phó Chủ tịch của tập đoàn ngân hàng US Bancorp với số tài sản 247 tỷ USD và 2.542 chi nhánh trên toàn nước Mỹ. Năm 2005, ông được tạp chí Institutional Investor bầu chọn là một trong ba Giám đốc tài chính hàng đầu trong ngành ngân hàng.


VNN

Tin cùng chuyên mục