Những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới: Julian Robertson

(ĐTCK-online) Julian Robertson sinh năm 1933 tại bang North Carolina (Mỹ). Trong thập niên 1980 - 1990, Robertson có những thành tích xuất sắc liên quan đến các quỹ phòng hộ. Ông được coi là “Phù thủy phố Wall”. Quỹ phòng hộ của ông, Tiger Management, trở thành quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, lúc đỉnh điểm quy mô của nó lên tới 23 tỷ USD.

Hồ sơ cá nhân

Robertson tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Đại học North Caroline năm 1955. Sau vài năm phục vụ trong hải quân, ông vào làm cho Công ty Kidder Peabody tại New York năm 1957. Sau 20 năm, ông trở thành một trong những nhà môi giới xuất sắc nhất của Công ty. Sau đó, ông trở thành người đứng đầu công ty con chuyên về quản lý tài chính của Kidder Peabody là Webster Management Corporation.

Năm 1980, ông tự mình lập nên Quỹ phòng hộ Tiger Management Group với số vốn đầu tư 8 triệu USD, đến năm 1996 số vốn này đã tăng lên 7,2 tỷ USD. Những năm sau đó, Robertson trở thành người khổng lồ, thống trị các quỹ phòng hộ của thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, không ai có thể vượt qua ông về sự nhạy bén trong lựa chọn cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư, với mức đầu tư ban đầu tối thiểu 5 triệu USD, đã đổ tiền vào quỹ phòng hộ của ông.

Tuy nhiên, Quỹ Tiger đã suy sụp dần từ năm 1998 đến năm 2000, các tài sản mà Quỹ quản lý từ 23 tỷ USD sụt xuống còn vỏn vẹn 6 tỷ USD. Kết quả lựa chọn cổ phiếu bất hợp lý cùng với những thương vụ đầu tư lớn, sai lầm được coi là nguyên nhân cho thất bại của Robertson. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại cho rằng, sự ra đi của hàng ngũ quản lý cấp cao của Quỹ cũng như phong cách quản lý chuyên quyền, độc đoán và tính tình khó chịu của Robertson cuối cùng đã gây họa cho Quỹ này.

Trong khi tiếp tục quản lý danh mục đầu tư của riêng mình, Robertson đã rút khỏi công việc điều hành Quỹ phòng hộ. Ông rất tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện và ủng hộ, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về môi trường.

Phong cách đầu tư

Thành thực mà nói, rất ít nhà đầu tư có thể vận dụng được triết lý đầu tư của Robertson, nó mang tính cá nhân rất cao. Trong Quỹ Tiger, Robertson lấy thông tin từ các nhà phân tích của Quỹ và tự mình đưa ra tất cả các quyết định đầu tư.

Ông không ủng hộ việc sử dụng phân tích cơ bản, một điểm có thể chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả hoạt động nghèo nàn của Quỹ Tiger năm 2000.

Rất khó diễn tả phong cách đầu tư của ông, mà nó được coi là một sự kết hợp của ý tưởng nhạy bén dựa trên những nghiên cứu thấu đáo, và sau đó là các vụ đầu tư lớn.

Quan điểm mang nặng tính cá nhân của Robertson đã giúp ích cho ông rất nhiều trong một thời gian nhất định, tuy nhiên khi giai đoạn đó kết thúc, thì quan điểm đó được coi là bất hợp lý, một hiện tượng không giống ai trong thế giới đầu tư của các quỹ tương hỗ.

Trích dẫn

-Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được 200 công ty tốt nhất thế giới và đầu tư vào đó, và tìm ra 200 công ty tệ nhất thế giới để bán khống. Nếu 200 công ty tốt nhất kia không hoạt động tốt hơn 200 công ty tệ nhất thì chúng ta nên tìm công việc khác.

-Hãy nghe một câu chuyện (về cổ phiếu), phân tích kỹ lưỡng và quyết định mua thật táo bạo nếu điều đó có vẻ đúng.

Trương Thành Trung
Trương Thành Trung

Tin cùng chuyên mục