Những người Mỹ phải chọn giữa trả tiền trọ và quà Giáng sinh

Một bộ phận người Mỹ rơi vào cảnh túng quẫn trong mùa Giáng sinh, phải chọn dành tiền mua quà hay trả tiền nhà trọ.
Thiệp mừng Giáng sinh năm nay của bà Sepia Coleman sẽ không được gửi đi. Ảnh: Guardian. Thiệp mừng Giáng sinh năm nay của bà Sepia Coleman sẽ không được gửi đi. Ảnh: Guardian.

Mùa Giáng sinh năm nay, bà Sepia Coleman ở thành phố Memphis, bang Tennessee, Mỹ sẽ không gửi thiệp chúc mừng bạn bè và người thân.

Sống trong cảnh giật gấu vá vai, người phụ nữ 46 tuổi quyết định xếp chồng thiệp vào ngăn kéo vì không có tiền mua tem, Guardian hôm qua đưa tin.  

Theo nghề chăm sóc sức khỏe tại nhà, bà Coleman nhận ba công việc với mức lương khoảng 8,5 USD mỗi giờ. Bà dành cả hai ngày 24 và 25/12 năm nay để chăm sóc người bệnh với hy vọng kiếm đủ tiền trọ. 

Tương phản với bức tranh kinh tế phát triển của nước Mỹ vào mùa lễ thông qua các con số về thị trường lao động và khoản chi tiêu dùng, bà Coleman là một trong hàng triệu người đang đứng trước nguy cơ phải ra đường hoặc phải băn khoăn chọn quà hay chọn trả tiền nhà dịp lễ.

Chủ trọ đã cảnh báo bà Coleman sẽ phải rời đi nếu không đóng tiền thuê còn thiếu trước Giáng sinh.

Mỗi tháng, từ thu nhập 1.300 USD, bà Coleman đóng 600 USD tiền trọ. Mới đây bà phải vay lãi suất cao để có tiền khôi phục điện bị cắt. Thêm 200 USD để đóng tiền nhà bà chưa biết sẽ xoay xở ở đâu. 

"Mùa lễ khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi không phải là một người sống vì vật chất nhưng chẳng có tiền dư ra để tiêu. Tôi vẫn đang gồng mình để đủ sống ấy vậy mà còn gắng không nổi", bà nói.

Những người Mỹ phải chọn giữa trả tiền trọ và quà Giáng sinh ảnh 1

 Bà Sepia Coleman. Ảnh: Guardian

Theo một cuộc khảo sát gần 7.000 người Mỹ được công bố hồi tháng 5, chưa đầy nửa số người tham gia khảo sát cho biết có sẵn 400 USD để dùng cho tình huống khẩn cấp.

"Mọi người vẫn đang làm việc song ở mức lương chưa đủ cao hay chưa đủ số giờ làm. Lương không tăng theo tỷ lệ tăng của chi phí nhà ở. Đó là tác nhân số một kéo theo cảnh nghèo", Sarah Bohn, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Công California, Mỹ, giải thích.

Kinh tế khó khăn cũng là nguyên nhân khiến bà Tonia McMillian quyết định giảm quy mô của trung tâm chăm sóc trẻ tại nhà ở thành phố Bellflower, bang California. Sau 25 năm hoạt động, số trẻ gần đây giảm từ con số 12 xuống 6.

Theo McMillian, thu nhập của trung tâm còn khoảng 12.000 USD mỗi năm sau khi trừ chi phí kinh tế và thuế. Bà sẽ không được lợi gì nếu tiếp tục duy trì số lượng trẻ dù chỉ trả mức lương tối thiểu cho những người hỗ trợ. "Mỗi khi có thêm một đồng lại có chuyện cần dùng đến 5 đồng", bà nói.

Để có quà cho bọn trẻ trong mùa Giáng sinh năm nay, bà McMillian chọn một cửa hàng trực tuyến cho phép mua trước trả sau. Số tiền nợ bà phải thanh toán trong vòng một năm.

"Trong tuần này, tôi đã chuẩn bị một cây thông Noel để trang trí cùng bọn trẻ. Chúng tôi có thể sẽ nướng bánh. Sau đó nữa thì tôi không biết, tôi sẽ tìm ra cách. Tôi luôn làm như vậy", bà nói.

Với bà mẹ đơn thân Sarah Delte, giải pháp sinh tồn ở khu vực có chi phí nhà ở đắt đỏ như thành phố San Jose, bang California, là sự kết hợp của khoản tiền trợ cấp nhà ở và thực phẩm, sống cùng mẹ và có một công việc bán thời gian.

Cô cho biết, ngay cả khi mức lương tối thiểu trong thành phố tăng từ 12 USD lên 13,5 USD vào ngày 1/1/2018, cô cũng không thể tự lo khoản tiền trọ 2.500 USD nếu không có tiền trợ cấp. "Tôi may mắn vì có sự hỗ trợ. Có nhiều người chỉ có thể dựa vào thu nhập từ công việc đang làm", cô nói.

Trong khi đó ở thành phố Vancouver, bang Washington, Ann, nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà và đang nuôi con trai 10 tuổi, được hôn phu san sẻ khoản tiền trọ 1.300 USD mỗi tháng.

Với Ann, kỳ nghỉ là thêm một lý do để ngân sách gia đình càng eo hẹp. "Mọi thứ đều đắt đỏ. Bạn cần cây thông Noel, rồi bạn còn phải làm bữa tối và mua quà", cô nói.

Năm nay, Ann đã phải đắn đo việc đưa con đi xem màn trình diễn ánh sáng ở sở thú gần nhà. Cô cuối cùng quyết định chắt bóp các khoản khác để hai mẹ con có thời gian bên nhau.

Giữa lúc nhiều gia đình ở Mỹ chật vật bước vào mùa Giáng sinh, các nhóm thiện nguyện và hỗ trợ người vô gia cư khắp nước trở thành một nguồn cứu cánh.

Thông qua các chương trình từ thiện, họ làm cầu nối để các nhà hảo tâm giúp những gia đình vô gia cư hoặc có nguy cơ ra đường bớt đi nỗi lo quà tặng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục