1. Tôi gặp cậu em phụ trách nội dung của 1 tờ báo kinh tế trong quán ăn trưa. Nhìn thấy tôi, cậu hỏi: “Sao chị có nhiều câu chuyện của bạn chị, của em chị, của mọi người để viết đến vậy?”. Là bởi vì bạn đọc rất thường xuyên kể cho nghe chuyện đời của họ. Có những người kể vì các việc liên quan cần sự hỗ trợ, nhưng cũng có người thì đơn thuần chỉ vì họ mong muốn chia sẻ thôi.
Đúng lúc chúng tôi đang muốn bàn luận thêm, thì cô bạn đọc của tôi bước vào. Tôi chưa từng gặp cô ấy ngoài đời, nhưng qua mạng xã hội, thì nhận ra ngay người cần gặp. Mạng xã hội giờ “nguy hiểm” quá. Người ta ra đường nhìn thấy nhau quen, chỉ vì coi ảnh đại diện trên các trang cá nhân. Hình như ở thời này, ai cũng có thể trở thành người của công chúng, một cách dễ dàng và không cần quá nhiều thời gian đóng góp công sức vào lĩnh vực nào đó.
Cô gái ấy gặp tôi, để nhờ giới thiệu cho luật sư nào đó tư vấn cho việc ly hôn sau 2 năm ly thân. Cô đã từng có cuộc sống hạnh phúc, bên người chồng cùng chung nghề. Nhưng công việc quá đặc thù, khiến vợ chồng cô mạnh ai nấy đi. Ban đầu cũng thấy chưa quen với việc vắng mặt nhau, sau thời gian gắn bó khắng khít sinh ra 2 bé gái. Nhưng lâu dần, thì không gần gũi nữa cũng là thói quen.
Nghe cô gái kể tới việc này, tôi mỉm cười. Cô tưởng là tôi chưa hiểu nên giải thích thêm, thực ra ở bên nhau lâu, vợ chồng nhớ hơi nhau lâu, cũng là sự lặp lại của mọi sinh hoạt hàng ngày; và tới khi không ở bên nhau nữa, sự lặp lại ấy không còn, thì chỉ là “the end” mà thôi. Bởi lẽ đó mà có nhiều cặp đôi đã rã đám trên thực tế từ lâu lắm rồi, nhưng tới lúc làm thủ tục ly hôn thì ai cũng nói bị shock, bị trầm cảm. Người ta khó có thể chấp nhận được ngay mọi sinh hoạt bị đảo lộn sau chục năm sống chung, dù tình nghĩa cũng nhạt phai gần về số 0 theo năm tháng.
2. Sống chung trong 1 mái nhà, chuyện yêu đương hạnh phúc không dễ gì duy trì sự nồng đượm mãi mãi. Chiếc lò sưởi trong nhà, khi gần tắt lửa, phải cho thêm củi khô vô ngay, và tất nhiên, có nghệ thuật thì lửa mới bén, mới không khói mù mịt khiến mọi người đều ho sặc sụa. Tình vợ chồng cũng vậy thôi, duy trì thế nào, để yêu thương được dài lâu, quả là không ai dám nói mạnh miệng.
Sáng sáng mỗi khi trên đường đi làm, tôi thường quan sát những chiếc xe chạy xung quanh. Đầu giờ sáng, rất nhiều cô vợ (người yêu) trẻ dựa đầu vào vai chồng (người yêu) nhắm mắt để tìm chút thư thái khi vẫn chưa ngủ đủ giấc. Nhìn cách cô gái choàng tay qua người đàn ông của mình, không cần quá nhạy cảm, cũng đủ thấy sự hạnh phúc tràn ngập toát ra.
Ở những cặp đôi khác, họ lặng lẽ chạy xe, không cần thể hiện tình cảm gì nhiều, nhưng đi làm chung trên 1 chiếc xe gắn máy, cũng đã là sự gắn bó hàng ngày rồi. Vậy cũng đã đủ để hiểu, họ (rất có thể) vừa bước ra khỏi căn nhà cùng chung sống, và tới khi hết giờ làm ở công sở, lại đón nhau trở về.
Số còn lại chạy xe trên đường, nam giới và phụ nữ, đi 1 mình. Họ cắm cúi chạy, không có ai đồng hành. Có thể đó là những bà mẹ, ông bố đơn thân, cũng có thể là các ông chồng, bà vợ “xé lẻ” đi làm ở những nơi không gần nhau. Sáng sớm đi, tối mịt quay trở về. Thời gian chia đều cho công việc, ăn nhậu, café, bạn bè, đối tác.
Tới khi lê bước về được tới nhà, cả tinh thần và thể xác đều đã rã rời. Vợ chồng nhìn nhau hết thấy yêu thương nổi. Và căn nhà chật mấy cũng thành rộng. Các khoảng trống ngày một loang ra. Có khi 1 mình nói, mà tiếng vọng đập tới lạnh lùng. Căn nhà ấy thiệt là “lạnh lẽo”!
Xung quanh chúng ta, hàng xóm, bà con, anh chị em, bạn bè, nhìn đi nhìn lại, nhiều người đang sở hữu căn nhà này. Nhưng để thay đổi, thì khó ai chấp nhận từ bỏ cái Tôi cá nhân, để yêu lại từ đầu. Hoặc có chăng, người ta thay đổi luôn cả căn nhà và người đồng sở hữu trên chủ quyền nhà đất theo giấy kết hôn!