Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt với dự báo triển vọng tăng trưởng 2018 đến với một số nhóm ngành như điện, ngân hàng, bất động sản và dầu khí.
Ngành ngân hàng
Bức tranh ngành ngân hàng ghi nhận nhiều yếu tố tích cực trong năm 2017. Trước hết, lần lượt trong năm, các tổ chức xếp hạng tín dụng như Fitch, S&P, Moody đã nâng xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Việt. Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô thuận lợi đã giúp các ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, thể hiện rõ nét trong kết quả 9 tháng.
Nhà đầu tư và nhiều chủ thể đặt niềm tin vào Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu khi quyết sách này đã và sẽ thúc đẩy tiến độ thu hồi nợ xấu nhằm làm sạch hệ thống ngân hàng.
Năm 2018, hoạt động của các ngân hàng và theo đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục diễn biến tích cực. Với nhóm ngân hàng quốc doanh, chúng tôi đặt sự kỳ vọng tăng trưởng tích cực vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), việc tìm kiếm đối tác chiến lược cũng như xử lý nợ xấu nếu khả quan, có thể là yếu tố hỗ trợ trong năm 2018. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tham gia thí điểm Basel II, triển vọng cao hơn thuộc về Ngân hàng Á châu (ACB) và Ngân hàng Quân đội (MBB).
Tuy vậy, chúng tôi ưa thích ACB vì chất lượng tài sản của Ngân hàng liên tục được củng cố và sự kiên định với chiến lược kinh doanh cốt lõi mà ACB đã có nhiều kinh nghiệm. Ngược lại với MBB, nỗ lực giải bài toán tăng trưởng thông qua việc mở rộng sang các mảng kinh doanh mới có tính rủi ro cao hơn, còn cần thêm nhiều thời gian để đánh giá hiệu quả.
Ngoài các ngân hàng hiện đang niêm yết, một số ngân hàng đại chúng dự kiến sẽ lên sàn trong năm 2018. Đây có thể là một yếu tố giúp “tạo sóng” cho ngành này trong năm 2018.
Ngành bất động sản
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, nhiều DN bất động sản đã về đích kế hoạch kinh doanh cả năm. Sở dĩ khối DN này đạt được kết quả tốt nhờ vào việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận các dự án đã chuyển nhượng trong giai đoạn 2015 - 2016.
Sang thời điểm đầu năm 2018, chúng tôi dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động với các dự án mở bán mới từ các chủ đầu tư hàng đầu, như Vingroup, Novaland, Nam Long, Đất Xanh.
Với Vingroup, thị trường chờ đợi việc Tập đoàn này tung ra thương hiệu VinCity - nhà ở phân khúc giá thấp, sẽ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về định hướng cũng như hiệu quả kinh doanh 2018. Theo dự kiến, câu chuyện nhà ở phân khúc giá thấp sẽ được Tập đoàn này phát triển tại 4 tỉnh thành là Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Đối với Novaland, CTCP Nam Long và CTCP Đất Xanh, năm 2018, dự báo năng lực tài chính sẽ mạnh hơn với sự hỗ trợ dòng tiền thu về từ các dự án mở bán mới. Nam Long có dự án Mizuki Park, lớn nhất từ trước đến nay sẽ được phát triển trong 3 năm; Đất Xanh với dự án Gem Riverside tọa lạc tại khu dân cư Nam Rạch Chiếc, Quận 2, TP. HCM với quy mô trên 3.000 căn; Novaland với việc phát triển 2 dự án Harbor City và WaterBay sau một năm 2017 trầm lắng với không nhiều các dự án mở bán.
Dư địa phát triển thị trường bất động sản còn rộng và những bước chuẩn bị của các DN bất động sản lớn có thể tạo nên triển vọng sáng cho ngành này năm 2018 và các năm tiếp theo.
Ngành bất động sản khu công nghiệp
10 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng 37,4% năm và lượng giải ngân đạt 14,2 tỷ USD (tăng 11,8% năm). Tuy nhiên, địa điểm đầu tư của dòng vốn FDI đang cho thấy sự phân hóa rõ nét khi các khu công nghiệp ở Đông Nam Bộ cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh thu hút trên 50% lượng vốn này.
Trong tương lai gần, ở phía Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh tại TP. HCM sẽ là điều kiện thúc đẩy dòng vốn FDI chảy dần về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Ngoài hai “ông trùm” IDICO và Becamex, CTCP Long Hậu (LHG) cũng là một cổ phiếu trong ngành có khả năng chuyển động tích cực trong năm 2018. Trong năm 2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, CTCP Long Hậu mới hoàn thành lần lượt 37% và 54% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Kết quả này không đạt kỳ vọng do Công ty tập trung thanh lý các hợp đồng chậm trả và cho thuê lại đất thu hồi.
Các hợp đồng này không đóng góp nhiều về lợi nhuận, nhưng giúp LHG thu hồi gần 200 tỷ đồng tiền thuê đất khó đòi nhiều năm qua. Nếu cho thuê thành công 15 héc-ta đất còn lại trong quý IV/2017, LHG có thể vượt kế hoạch lợi nhuận 2017.
Năm 2018, tốc độ triển khai mở rộng Khu công nghiệp Long Hậu 3 với tổng thể quỹ đất quy hoạch lên đến 981 héc-ta tại Cần Giuộc (Long An) sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của LHG. Một yếu tố nữa là trục giao thông hướng Bắc - Nam TP. HCM nếu hoàn thành sớm sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh và giá trị quỹ đất của LHG.
Ngành điện
Nhóm DN thủy điện có khởi đầu năm 2017 với diễn biến gần như trái ngược với chuyển động tiêu cực trong năm 2016. Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khiến mưa lớn bất thường diễn ra trên hầu hết cả nước, tạo điều kiện cho nhóm DN thủy điện đạt tăng trưởng mạnh mẽ về kết quả kinh doanh. 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thủy điện đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm trong quý III như CTCP Thủy điện miền Trung (CHP, vượt 21%) hay CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD, vượt 14%).
Sang năm 2018, chúng tôi cho rằng việc các tên tuổi lớn ngành điện cùng chào bán cổ phần ra công chúng như PV Power (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) hay ba tổng công ty phát điện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (GENCO 1, GENCO 2 và GENCO 3) sẽ mang đến cho nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn mới. Bên cạnh đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh vừa qua chưa tốt do hoạt động đại tu trong năm như NT2 có thể sẽ có tăng trưởng tốt khi phục hồi trong năm 2018.
Dầu khí
Nếu giá dầu trong năm 2016 được ví như một bức tranh sáng khi ghi nhận sự hồi phục liên tục từ mức đáy thì giá dầu năm 2017 lại xen kẽ vào những gam tối khi thị trường dầu giảm nhẹ trong nửa đầu năm trước khi bật tăng mạnh trong nửa phần còn lại. Với mặt bằng giá dầu trung bình năm 2017 cao hơn so với cùng kỳ, không khó hiểu để lý giải vì sao kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành bắt đầu chuyển biến tích cực.
Xét trên tổng thể, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận các công ty trong ngành lần lượt đạt 16,4% và 13,8% sau 9 tháng 2017. So với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra, doanh thu và lợi nhuận các công ty đạt được 83,7% và 90,7%. Với triển vọng giá dầu tích cực từ đây đến cuối năm, nhiều khả năng các doanh nghiệp trong ngành hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu cả năm của mình.
Xét trên từng doanh nghiệp, chỉ có một số công ty ghi nhận sự tăng trưởng về hoạt động kinh doanh chính mà điển hình là GAS. Nhờ mặt bằng giá dầu cao hơn năm ngoái, lợi nhuận 9 tháng của GAS tăng trưởng 45% so với cùng kỳ, vượt 15,5% kế hoạch. Nếu không có nhiều đột biến, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính cả năm 2017 của GAS sẽ dao động trong khoảng 8.300 tỷ đồng đến 8.500 tỷ đồng.
Ngoài một số ngành trên, các ngành khác như bán lẻ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, công nghệ, hóa chất cũng có nhiều cổ phiếu để nhà đầu tư lựa chọn đầu tư trong năm 2018. Chúng tôi sẽ có những đánh giá cụ thể về các ngành cũng như cổ phiếu ưa thích trong báo cáo chiến lược năm 2018 tới đây.