Theo dự báo của ngân hàng Standard Chartered, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 1 thập niên tới. Mỹ không chỉ mất ngôi đầu mà còn bị Ấn Độ đẩy xuống vị trí thứ ba.
Bất ngờ hơn, theo bảng dự báo này, đại diện duy nhất của Đông Nam Á, Indonesia vượt qua các nền kinh tế châu Âu vươn lên vị trí thứ 4. Tiếp đó, trong top 10 do Standard Chartered dự đoán, lần lượt là Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai Cập, Nga, Nhật, Đức.
10 nền kinh tế lớn nhất thế giới theo dự báo của Standard Chartered. (Ảnh: Bloomberg)
"Các dự báo tăng trưởng dài hạn của chúng tôi dựa trên yếu tố chính, đó là đóng góp của các nước vào GDP toàn cầu sẽ tương ứng với đóng góp của các nước đó trong quy mô dân số toàn cầu. Việc này được thúc đẩy bằng xu hướng GDP đầu người của các nước phát triển và mới nổi", các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered nhận định.
Theo Bloomberg, quy mô nền kinh tế của một nước được quyết định bởi tổng sản phẩm quốc nội GDP - thước đo giá trị thị trường với tất cả hàng hóa và dịch vụ sản sinh trong một khoảng thời gian.
Brazil là nước khu vực Mỹ - Latinh duy nhất trong top 10, ở vị trí thứ 6. Ai Cập là nước Trung Đông duy nhất, ở vị trí thứ 7. GDP dự đoán của hai nước này năm 2030 là 8,6 nghìn tỷ USD và 8,2 nghìn tỷ USD.
Vị trí thứ 8 là Nga, trong khi đó, Nhật Bản và Đức bị rớt xuống lần lượt vị trí thứ 9 (7,2 nghìn tỷ USD) và 10 (6,9 nghìn tỷ USD).
Các nước đang nằm trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2018 là Anh, Italy, Pháp, Canada, theo dự báo của Standard Chartered sẽ bị rớt khỏi top trong vòng 1 thập niên tới.
10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2018 theo số liệu của IMF. (Ảnh: World Economies Forum).
Standard Chartered dự báo nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng trung bình 7,8% giai đoạn những năm 2020, trong khi Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, đóng góp của châu Á vào GDP toàn cầu sẽ tăng lên 35% vào năm 2030. Tỷ lệ này bằng cả EU và Mỹ cộng lại. Năm 2018, đóng góp của châu Á vào GDP toàn cầu là 28%.