Chủ tịch Fed “tặng quà” giới đầu tư

(ĐTCK) Khi sự lạc quan về triển vọng thương mại Mỹ - Trung nhạt dần, giới đầu tư bất ngờ nhận được “quà” từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, qua đó giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm (10/1).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, phố Wall gặp khó khăn khi mở cửa phiên giao dịch thứ Năm. Cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều mở cửa trong sắc đỏ và lình xình dưới tham chiếu gần như suốt phiên.

Việc phố Wall điều chỉnh do triển vọng giải quyết cuộc chiến thương mại nhạt dần sau khi Trung Quốc đưa ra ít thông tin về các vấn đề chính như chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, hàn rào thuế quan và tấn công mạng.

Tuy nhiên, về cuối phiên, phố Wall đã đồng loạt quay đầu tăng điểm để duy trì chuỗi tăng giá lên phiên thứ 5 liên tiếp khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, các nhà hoạch định chính sách sẽ kiên nhẫn về việc tăng lãi suất. Dù vậy, đà tăng sau đó bị hãm lại khi ông Powell cho biết, Fed sẽ thu hẹp dần khoản nắm giữ trái phiếu và ông lo ngại về vấn đề nợ công của Mỹ.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Dow Jones tăng 122,80 điểm (+0,51%), lên 24.001,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,68 điểm (+0,45%), lên 2.596,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 28,99 điểm (+0,42%), lên 6.986,07 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng mở cửa trong sắc đỏ và giao dịch dưới tham chiếu trong gần như suốt phiên thứ Năm do áp lực chốt lời và kỳ vọng về thương mại Mỹ - Trung nhạt dần, cũng như kế quả kinh doanh kém khả quan của nhóm sản xuất ô tô. Tuy nhiên, chứng khoán Anh, Đức đã đảo chiều thành công trong ít phút cuối phiên do nhà đầu tư phản ứng tích cực với phát biểu của Chủ tịch Fed, trong khi chứng khoán Pháp thiếu chút may mắn.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,24 điểm (+0,52%), lên 6.942,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 28,27 điểm (+0,26%), lên 10.921,59 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,91 điểm (-0,16%), xuống 4.805,66 điểm.

Trên thị trường chứng chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm khá mạnh khi đồng yên tăng kích thích lực bán chốt lời của nhà đầu tư sau chuỗi tăng liên tiếp trước đó. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều giảm nhẹ do nỗi lo tăng trưởng kinh tế chậm lại lấn át sự kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Fed có thẻ giãn tiến độ tăng lãi suất trong năm nay.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 263,26 điểm (-1,29%), xuống 20.163,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,25 điểm (-0,36%), xuống 2.535,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 59,11 điểm (+0,22%), lên 26.521,43 điểm.

Giá vàng cũng đảo chiều giảm trở lại, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Tư do chứng khoán đảo chiều và đồng USD cũng lấy lại đà tăng trong phiên thứ Năm. Trước đó, giá vàng đã leo lên trên mức 1.295 USD/ounce trong phiên châu Á và châu Âu.

Kết thúc phiên 10/1, giá vàng giao ngay giảm 7,2 USD (-0,56%), xuống 1.286,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 4,6 USD (-0,36%), xuống 1.287,4 USD/ounce.

Trong khi đó, dù đồng USD hồi phục tăng trở lại tác động tiêu cực lên các thị trường hàng hóa, nhưng giá dầu thô vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 10/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,23 USD (+0,44%), lên 52,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,24 USD (+0,39%), lên 61,68 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục