Những kiến nghị khơi thông thị trường địa ốc

(ĐTCK) Đánh giá tổng thể về thị trường bất động sản TP. HCM, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea) cho rằng, thị trường thời gian qua đã có bước phục hồi khá tốt, song nhìn trên diện rộng, vẫn còn đó nhiều khó khăn với hàng trăm dự án “trùm mền”.Một phần do những điểm nghẽn chính sách chưa được khơi thông.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn được cho là giải ngân quá chậm - Ảnh: Lê Toàn Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn được cho là giải ngân quá chậm - Ảnh: Lê Toàn

Cần giải mã “ẩn số” tiền sử dụng đất

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, từ 1/7/2015, nhiều sắc luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho DN kinh doanh và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa khơi thông, trong đó vướng mắc về chuyện tính tiền sử dụng đất đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, tiền sử dụng đất vẫn sẽ tiếp tục là một “gánh nặng” đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có một số chế định mới làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành bất động sản, như chi phí ký quỹ và chi phí bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai. Đây là 2 yếu tố hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành bất động sản, mà cuối cùng người mua nhà sẽ gánh chịu.

Do đó, Horea đề nghị, Chính phủ và các bộ ngành khi ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn luật cần quan tâm các nội dung như đơn giản hóa thủ tục xác định nguồn gốc người Việt của Việt kiều; xem xét cẩn trọng khi hướng dẫn thực hiện chế định bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, nên miễn ký quỹ các dự án mà nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng, mức ký quỹ 1 - 3% vốn đầu tư chỉ bao gồm chi phí tạo quỹ đất và cơ sở hạ tầng, chứ không nên là tổng vốn đầu tư dự án và quy định rõ lộ trình hoàn trả tiền ký quỹ. Chính phủ cũng nên tiếp tục xem xét giảm nhẹ gánh nặng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho DN và người tiêu dùng. Xem xét, xử lý có lý, có tình đối với các trường hợp gia hạn 24 tháng để thực hiện dự án, nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hoặc thu hồi đất của dự án mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất theo Luật Đất đai 2013, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật với Luật Đầu tư 2014.

Về phía TP. HCM, Horea đề nghị UBND Thành phố, Sở Xây dựng, các sở, ngành, quận huyện tạo điều kiện hỗ trợ DN giải quyết 689 dự án đang ngừng triển khai và 85 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư để có thể tái khởi động dự án, tránh lãng phí của cải xã hội. Đồng thời, đề nghị UBND Thành phố xem xét tiếp tục giải quyết nhu cầu của các DN xin chia nhỏ căn hộ, cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội hoặc dịch vụ…

Theo ông Châu, nếu tháo gỡ được các vấn đề nêu trên sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, tạo thêm động lực để thị trường hồi phục nhanh hơn và tăng nguồn cung sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân Thành phố. 

Giảm thêm lãi suất gói 30.000 tỷ đồng

Theo Horea, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã có tác động rất lớn với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện tốc độ giải ngân mới được trên 12% là quá chậm, quá thấp và không đạt kỳ vọng. Để đẩy mạnh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Horea kiến nghị, lãi suất cho vay nên giảm xuống 4 - 4,5%/năm áp dụng cho năm 2015. Ngoài ra, nên ân hạn 3 năm đầu người vay chưa phải trả lãi vay và nợ gốc. Bên cạnh đó, Horea cũng đề nghị bổ sung đối tượng là các cặp vợ chồng mới kết hôn, người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú được vay gói tín dụng này.

Cũng theo Horea, Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại sau khi đã nhận được tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai để đảm bảo cho khoản vay mua căn hộ này, thì không đòi hỏi thêm thủ tục nào khác. Trong khi đó, Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét cho DN đang đầu tư dở dang các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70 m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư cấp 2 (chủ đầu tư thứ cấp) các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại dưới 1,05 tỷ đồng/căn, khi bán nhà cho khách hàng thì khách hàng cũng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục