Những khoảng trời mới…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một ngày đầu năm 2021, ngồi trong khán phòng của Premier Village Phu Quoc Resort - khu nghỉ dưỡng đẹp mê hồn của Sun Group, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cứ tấm tắc khen rằng, đảo Ngọc Phú Quốc vốn đã đẹp, giờ còn đẹp hơn nhiều với những khu nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới của những "con đại bàng” quốc tịch Việt.
Những khoảng trời mới…

Những cái tên Vingroup, Sun Group… với các công trình đúng tầm sẽ tạo nền tảng giúp Phú Quốc xứng đáng với vị thế thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Còn trên bình diện quốc gia, nói như ông Thiên, sẽ không có gì tốt cho kinh tế đất nước bằng việc ngày càng có nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân nội địa mạnh.

“Đó là điều tôi hiểu ra gần đây và đã có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ với vai trò thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng”, vị chuyên gia này nói và ví von rất thú vị rằng, những "con đại bàng” thì chỉ cần bầu trời trong lành, khoáng đạt và đủ rộng để sải cánh, tự nó sẽ biết tìm đến chuỗi thức ăn phù hợp với mình…

Thực tế, cùng với vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng trọng yếu, những "con “đại bàng" nội đang tìm cho mình những khoảng trời rộng hơn để thỏa sức vẫy vùng.

Trong đó, M&A là công cụ xuyên suốt trong chiến lược tạo chuỗi giá trị, tạo hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu nhiều năm qua.

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo “M&A - Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt” dự kiến tổ chức tại TP.HCM ngày 7/5/2021 tới đây, Ban Tổ chức phát hiện những thông số có ý nghĩa lớn khi cùng với sự phát triển mạnh của thị trường M&A Việt Nam 10 năm qua, các doanh nghiệp tư nhân nội địa với vai trò bên mua ngày càng “chiếm lĩnh trận địa”, vốn trước đó chỉ dành cho người ngoài.

Chẳng hạn, mới năm 2018, doanh nghiệp Việt chiếm 11,8% giá trị thị trường M&A với tư cách bên mua thì giai đoạn 2019-2020, con số này tăng lên 30%. Điều này, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, là dấu hiệu cho thấy vị thế, sức cạnh tranh của từng thực thể kinh doanh và cả nền kinh tế Việt Nam.

Mà bất cứ thị trường nào, ai có vị thế đủ lớn, đó sẽ là người chi phối luật chơi!

Facebook, Google, Amazon, Alibaba, Microsoft, Grab, Uber… đã từ M&A mà nâng tầm, vượt xa ý nghĩa ban đầu thuần túy của các nhà sáng lập để trở thành những hệ sinh thái đa nền tảng, đa quốc gia, chi phối kinh tế thế giới.

Với những thương hiệu Việt hàng đầu, M&A thực sự là giải pháp tạo cấu trúc liên kết mới, chứ không chỉ nhằm thâu gom tài sản và đó là những câu chuyện thú vị mà bạn đọc có thể tìm thấy trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo tuần này.

Masan Group đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám trên thị trường bán lẻ, Thaco đổ hàng tỷ USD vào nông nghiệp, Vinamilk mua doanh nghiệp ngoại, Vingroup “kéo phanh” hệ thống bán lẻ để mở rộng hệ sinh thái công nghiệp gắn với hoạt động R&D ở tầm thế giới; Nova Group từ một nhà phát triển bất động sản, đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành, đa lĩnh vực…

Không hề bất ngờ khi những cái tên nói trên đang và sẽ còn là những thương hiệu quốc gia Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất.

Nhưng M&A là một quá trình mà ký kết chỉ là sự mở đầu, sự thành công của một thương vụ chỉ có thể được tính bằng sự hòa nhập, tôn nhau lên mà không giẫm chân nhau của các tổ chức vốn khác biệt, giờ cùng sống chung trong một hệ sinh thái; hay của một sản phẩm, dịch vụ ra thị trường được đón nhận nhiệt thành...

Dư chấn của Covid-19 vẫn chưa tan, và trong khó khăn, sẽ vẫn còn những doanh nghiệp muốn “giảm cân” để chạy cho nhanh, tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi mới; lại có không ít tập đoàn nuôi ý định trở nên “cường tráng” hơn để đủ sức vươn tới những khoảng trời cao rộng hơn.

Với ấn phẩm Đầu tư Chứng khoán số ra tuần này và theo dõi thông tin từ sự kiện hội thảo "M&A - Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt” do Báo Đầu tư tổ chức tới đây, các doanh nghiệp thuộc cả bên mua và bên bán cùng bạn đọc quan tâm có thể chắt lọc cho mình những thông tin thú vị, đáng tiền.

Người quan sát ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục