Những góc nhìn về thuế tài sản

(ĐTCK) Thuế tài sản dù mới đang dừng ở mức dự thảo, nhưmg tác động của nó với thị trường bất động sản và toàn xã hội cũng cần được nhìn nhận và bàn thảo kỹ càng.
Thuế tài sản chủ yếu tập trung vào bất động sản. Ảnh: Thanh Huyền Thuế tài sản chủ yếu tập trung vào bất động sản. Ảnh: Thanh Huyền

Cần rõ ràng về tên gọi

Tại hội thảo “Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam” diễn ra tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện có hai dòng triết lý về việc đánh thuế tài sản: Chủ nghĩa can thiệp với chủ trương đánh thuế tài sản và chủ nghĩa tự do cá nhân với chủ trương bãi bỏ thuế tài sản.

Ở nước ta, thuế tài sản hầu như chỉ tập trung vào bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề tên gọi, cũng như cách thức đánh thuế vẫn đang còn là nội dung có nhiều tranh luận.

Trước đó, ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn chính sách Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) đánh giá, về mặt truyền thông, cần hiểu thuế tài sản là loại thuế tài sản nào, vì tài sản ở Việt Nam và trên thế giới được hiểu cũng rất khác nhau.

Đơn cử, về bất động sản, không chỉ là nhà đất, mà cả những thứ khác, thậm chí máy bay… Do đó, cách tính thuế nguồn nào miễn giảm, nguồn nào chịu thuế, đánh thuế vào đối tượng nào, là những vấn đề cần được làm rõ.

 Đồ họa: Thanh Huyền

Trong khi đó, theo ông Đinh Tuấn Minh, Công ty cổ phần Viet Analytics, đối tượng đánh thuế tài sản cũng cần được xem xét kỹ. Đó là bất động sản, gồm đất đai, các tòa nhà và các công trình xây dựng, hoặc "cải tiến" cho đất (ví dụ như giải phóng mặt bằng và phân loại đất); những thứ không phải bất động sản (được hiểu là tất cả các tài sản còn lại không phải là bất động sản).

Ngoài ra, còn có các loại tài sản khó phân loại là động sản hay bất động sản; “vật cố định”, quyền đối với tài sản đi kèm, một vài loại máy móc công nghiệp và các loại tài sản công thường không nằm trong đối tượng đánh thuế.

Việc định danh tên gọi của sắc thuế cũng được các chuyên gia nhắc đến. Bởi tên gọi của sắc thuế phải nói đúng bản chất của sản phẩm chịu thuế, tránh tình trạng không rõ ràng, gây hiểu lầm.

Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đến nay, đã có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.

“Thuế tài sản cũng là cách gọi mập mờ. Các quốc gia không dùng tên này, mà cụ thể hơn. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, sắc thuế này có tên gọi thuế tài sản cố định. Ở Philippines, tên gọi là thuế tài sản thực.

Đóng góp của thuế tài sản

Các số liệu thống kê cho thấy, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản là không đáng kể theo phương diện quốc gia tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, chỉ bằng 1/4 so với OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gồm 34 nước có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Phân bổ nguồn thu từ thuế bất động sản theo các cấp cũng không giống nhau giữa các nước: Phần lớn phân bổ cho địa phương, nhưng cũng có những nước thuộc hoàn toàn về Trung ương. Tuy nhiên, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản thường là nguồn thu ngân sách quan trọng ở cấp địa phương.

Theo tôi, chúng ta không nên đánh thuế với mọi người, mọi giá trị, mọi tài sản, mà chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế (miễn thuế cho hộ nghèo) và vào tài sản có giá trị lớn. Chẳng hạn, miễn thuế với một diện tích tối thiểu, đánh thuế lũy tiến khởi điểm rất thấp, chỉ đánh vào một số loại tài sản. Đặc biệt, phải cộng dồn nhà với đất và chỉ nên tính thuế với tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên (tính theo giá thị trường)

- Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Chẳng hạn, thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương tại Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan… Khi xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế bất động sản cũng rất khác biệt. Nó chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, 25% tại Pháp, Tây Ban Nha, còn tại Anh chỉ 15%, dù là nguồn thu thuế duy nhất cho ngân sách địa phương.

Ở Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp từ 0,03 - 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn nhiều nước. Vai trò với ngân sách địa phương cũng còn khiêm tốn, chỉ chiếm từ 5 - 7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.

Và những tác động

Nhìn nhận về tác động của thuế tài sản, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, thuế bất động sản ít tác động tới hành vi kinh tế hơn các loại thuế khác như thuế thu nhập, tiêu dùng. Mặt khác, theo triết lý thuế địa phương, việc đánh thuế tài sản có thể phân bổ lại dân cư, quy hoạch lại các khu dân cư theo từng nhóm người. Việc đánh thuế tài sản cũng có thể tác động tới thị trường nhà đất, giúp tăng cung, điều chỉnh giá về mức phù hợp.

Còn bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, do tập trung đánh thuế vào tài sản hữu hình (nhà và đất), nên khó trốn tránh, dịch chuyển, không gây bóp méo chính sách, có khả năng cưỡng chế cao. Thuế tài sản đánh vào bất động sản được cho là sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nêu quan điểm: “Với phương án tính thuế, nên cộng dồn tài sản sở hữu và chỉ đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên. Tránh tình trạng đánh thuế vào người có thu nhập thấp”.

Cũng theo ông Đức, chúng ta đang có những cách hiểu khác nhau về khái niệm tài sản. Với bất động sản, tài sản được hiểu gồm đất, nhà, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy nếu là đánh thuế tài sản, thì phải đánh vào tất cả các tài sản nói trên, rồi sau đó mới cân nhắc đến loại nào không phải đánh…

Mặt khác, với đất, người dân có ba quyền là sử dụng, chiếm hữu, định đoạt. Người dân đang được Nhà nước cho quyền sử dụng, còn Hiến pháp thì không cho đánh thuế đất. Như vậy, có thể hiểu, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và đây là đối tượng chịu thuế. Do đó, cách hiểu ở đây là thuế đánh vào quyền sử dụng đất. Nói cách khác, thuế đánh vào bất động sản, nhưng lại không phải bất động sản, nên rất mơ hồ.

Theo ông Đức, chúng ta đang tập trung vào bất động sản, nên việc cần làm hiện nay là phải định danh cho chính xác (đánh vào đất, hay quyền sử dụng đất, hay tài sản trên đất) và cân nhắc đánh thuế vào cái gì. Phải tiếp cận ở góc độ tài sản theo quy định của luật.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thanh Huyền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục