Đánh thuế nhà ở: Nguy cơ thuế chồng thuế

(ĐTCK) Đề xuất đánh thuế tài sản cá nhân, đặc biệt là đánh thuế với nhà ở có giá trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận trong những ngày qua. Nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản cũng chia sẻ những lo ngại về tác động tiêu cực tới xã hội của phương án đánh thuế này.
Đánh thuế nhà ở: Nguy cơ thuế chồng thuế

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định về đánh thuế tài sản, dù có thể không được gọi thẳng ra như vậy, nhưng mục đích khá rõ ràng: Đánh vào tài sản cá nhân, vì người sở hữu được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội phải có nghĩa vụ đối với nhà nước. Và đó cũng là lý do Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị về việc xây dựng Luật Thuế tài sản.

Tuy nhiên, điều khiến cho các chuyên gia lo ngại nằm ở cách thức xây dựng cũng như cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất đánh thuế tài sản, đặc biệt với tài sản là nhà đất thời gian qua. Từ đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi, đến nâng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% với người mua nhà, đến việc đánh thuế với nhà ở có giá từ 700 triệu đồng trở lên đang gây phản ứng dữ dội như hiện tại. Các căn cứ đưa ra không thực sự rõ ràng, khiến nhiều người lo ngại về tình trạng tận thu, thuế chồng thuế và có phần đi ngược tinh thần của Hiến pháp về quyền có nhà ở của người dân.

Theo phân tích của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần GP Invest, chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư thương mại, với một căn chung cư có giá khoảng 1 tỷ đồng (hạng nhà ở khá bình dân hiện tại), khi nhận nhà người mua đã mất tới vài chục triệu đồng lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế giá trị gia tăng… Nếu phải đóng thêm tiền thuế tài sản là 0,4% cho phần vượt 700 triệu đồng của căn hộ, chủ hộ sẽ phải mất thêm vài triệu đồng mỗi năm. Với thực tế đa phần người mua nhà đang phải đi vay tới 60 – 70% giá trị căn hộ, việc gia tăng nghĩa vụ thuế sẽ làm gia tăng áp lực tài chính cho nhiều gia đình có thu nhập trung bình.

"Phương án đánh thuế từ ngôi nhà thứ hai ít ra còn chút hợp lý, vì những người có tiền mua căn nhà thứ hai trở đi ít nhất cũng gọi là dư giả về tài chính, mua để đầu tư", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, đề xuất đánh thuế với ngôi nhà thứ nhất nếu được thông qua chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, khiến thị trường đi xuống. Người dân có tiền cũng không dám mua nhà để đầu tư do với mức thuế này, lời lãi từ đầu tư địa ốc sẽ chẳng còn đáng kể. Thị trường bất động sản tất yếu sẽ mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cả những người mua nhà ở thực.

Cũng liên quan đến đề xuất chính sách thuế mới này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu lại có một lo ngại khác, đó là hiện tượng thuế chồng thuế tài sản đối với đất đai.

Theo ông Châu, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đất đai thuộc sở hữu tư nhân và không có khoản thu "tiền sử dụng đất" cũng nộp vào ngân sách như Việt Nam. Trên văn bản, tiền sử dụng đất không phải sắc thuế, vì đang được quy định ở Luật Đất đai, nhưng về bản chất đây vẫn là thuế vì được thu vào ngân sách.

“Giờ nếu thêm thuế tài sản đánh lên đất đai sẽ dẫn tới thuế chồng thuế”, ông Châu nhận định và cho biết thêm, hiện tiền sử dụng đất đang chiếm khoảng 10% giá thành nhà chung cư, 30% giá nhà phố, 50% giá biệt thự.

Do đó, nếu đánh thuế tài sản với nhà đất, phải giảm hoặc bỏ tiền sử dụng đất, hoặc chỉ đánh thuế với đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Vì 1 ha đất nông nghiệp chỉ đáng giá vài chục tới vài trăm triệu đồng, nhưng nếu chuyển 1 ha đó sang đất phi nông nghiệp giá trị có thể tới vài trăm tỷ đồng, khi đó mới cần đánh thuế.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất là người dân và doanh nghiệp cần biết rõ hơn các chi tiết của phương án đánh thuế. Theo đó, mức thuế suất 0,4% được xây dưng trên căn cứ nào? Ai sẽ thực thi quy trình định giá nhà ở? Phương thức định giá như thế nào? Các công cụ định giá, tính thuế, thu thuế… cụ thể ra sao? Chưa kể, theo ông Ánh, nhà, ô tô, máy bay, tàu thuyền đều là tiêu sản, giảm giá theo thời gian sử dụng, ngay cả khi giá đất tăng lên.

“Vậy lấy gì làm chuẩn neo giá các tài sản đó? Nếu 3 hay 5 năm sẽ điều chỉnh, vậy điều chỉnh như thế nào? Những thông tin cơ bản cần phải rất rõ với người dân", ông Ánh khuyến nghị.

Cũng theo ông Ánh, cách công bố thông tin đối với một sắc thuế ảnh hưởng đến hàng chục triệu con người như thuế tài sản đang thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thiếu những phân tích, lập luận thuyết phục từ nhiều góc độ. Cách làm này tất yếu gây ra sự ngỡ ngàng, bất ngờ cho dư luận xã hội, thậm chí là phản ứng tiêu cực từ phía người dân.

Đánh thuế nhà ở: Nguy cơ thuế chồng thuế ảnh 1

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu

Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở, Nhà nước cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.

Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa là những người giàu phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp. Do đó, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà nên bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ, những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thường mua bán từ căn nhà thứ hai trở đi. Từ đó, chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của Nhà nước là giúp người nghèo có nhà.

Ngoài ra, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

Đánh thuế nhà ở: Nguy cơ thuế chồng thuế ảnh 2

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nếu thu thuế, có thể sẽ thu được thêm tiền ngân sách, tuy nhiên những hệ quả đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Thị trường bất động sản tất yếu sẽ chịu những tác động tiêu cực do mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cả những người mua nhà ở thực.

Tính minh bạch trong việc tăng thuế và chi tiêu ngân sách của Nhà nước là vấn đề chính khiến người dân luôn có những phản ứng tiêu cực trước những quyết định tăng thuế của Bộ Tài chính. Nếu vì bí ngân sách mà tăng thuế thì cũng phải cho người dân biết rõ tiền thuế đó sẽ được sử dụng như thế nào. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ninh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục